Tán sỏi ngoài cơ thể: Tiến bộ mới trong điều trị sỏi đường tiết niệu
Hơn 4 năm qua, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh đưa vào hoạt động máy tán sỏi ngoài cơ thể, số người đến điều trị sỏi đường tiết niệu rất đông, với tỷ lệ thành công trên 95% đối với trường hợp sỏi thận và sỏi niệu quản.
Tán sỏi ngoài cơ thể là một tiến bộ trong y học, mang đến lợi ích tuyệt vời cho người mắc sỏi tiết niệu hiện nay.
CĂN BỆNH PHỔ BIẾN
Sỏi đường tiết niệu là một bệnh lý thường gặp ở nước ta. Theo thống kê, có khoảng 3 - 4% dân số bị mắc bệnh này. Sỏi tiết niệu hình thành do sự lắng đọng của một số tinh thể trong nước tiểu ở đường niệu. Tùy theo vị trí sỏi, bệnh được gọi tên khác nhau như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang… Tất cả mọi người đều có thể bị sỏi tiết niệu.
Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhiều ở nam giới, đặc biệt những người có nhiễm trùng đường tiểu, tổn thương đường niệu do đặt ống thông tiểu lâu ngày; có bất thường ở hệ niệu làm ứ đọng nước tiểu như: Thận đa nang, hẹp đoạn nối bể thận - niệu quản, sa niệu quản...
Những người sống ở nơi khí hậu khô nóng, người thường xuyên lo âu, căng thẳng, ít hoạt động thể lực, chế độ ăn uống bất hợp lý, quá nhiều đạm, đường, canxi... cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sỏi tiết niệu rất cao.
![]() |
Bệnh nhân được tán sỏi ngoài cơ thể tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh. |
Bác sĩ Võ Văn Hùng, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh cho biết, sỏi thường tồn tại trong đường tiểu một thời gian dài mà không có bất kỳ biểu hiện nào, cho đến khi bệnh nhân có thể bị một trong các triệu chứng sau:
Bị đau từ thắt lưng lan xuống dưới vùng bẹn và sinh dục, cơn đau có cường độ rất dữ dội, xuất hiện đột ngột do sỏi kẹt ở khúc nối bể thận hay niệu quản; người bệnh có thể tiểu buốt, gắt, tiểu són, nước tiểu màu hồng do có sự hiện diện của máu trong nước tiểu.
Bệnh nhân có thể có sốt cao nếu sỏi gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh có thể có cảm giác ớn lạnh, lạnh run, buồn nôn, ói khi sốt.
Hỗ trợ chi phí phẫu thuật u bướu cho người nghèo Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mắc các chứng bệnh như bướu tuyến giáp, u nang buồng trứng, nhân xơ tử cung. Bệnh nhân chỉ cần gửi hồ sơ bệnh án có chỉ định mổ của bác sĩ chuyên khoa và điền đầy đủ thông tin vào đơn xin mổ bướu theo mẫu gửi về Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh. Tại Tiền Giang, liên hệ số điện thoại 0982000958, gặp cô Bạch Thủy. |
Sỏi tiết niệu có thể chẩn đoán qua siêu âm. Đây là phương pháp chẩn đoán an toàn, rẻ tiền, cho phép xác định vị trí sỏi và đánh giá các cơ quan lân cận.
Ngoài ra, còn có các phương tiện chẩn đoán khác như: Chụp X quang, CT-scan, tổng phân tích nước tiểu... Tùy theo vị trí, kích thước sỏi, diễn tiến bệnh, bác sĩ sẽ chọn một phương thức điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
KHÔNG CẦN PHẪU THUẬT
Trong vài chục năm gần đây, cùng với sự tiến bộ trong các lĩnh vực chẩn đoán, điều trị sỏi đường tiết niệu trên thế giới cũng như Việt Nam cũng có những thay đổi đáng kể.
Các phương pháp phẫu thuật kinh điển dần được thay bằng các phương pháp điều trị hiện đại như tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi thận qua da, lấy sỏi qua ống soi niệu quản… Các phương pháp điều trị này ít sang chấn, mang lại hiệu quả cao và rút ngắn ngày phải nằm viện cho người bệnh.
Tán sỏi ngoài cơ thể là một phương pháp ít gây sang chấn, được áp dụng khá rộng rãi trong những năm gần đây nhằm làm tan sỏi mà không phải can thiệp phẫu thuật. Dựa trên nguyên lý sóng xung động từ bên ngoài tập trung vào một tiêu điểm (viên sỏi) với một áp lực cao làm vỡ hoặc làm vụn sỏi thành hạt nhỏ, sau đó bài tiết ra ngoài theo đường tiểu tự nhiên. Bệnh nhân được tán sỏi ngoài cơ thể không cần một biện pháp gây tê hay gây mê để tán, do đó tránh được các biến chứng do gây tê hay gây mê.
Hiện nay đã có 3 thế hệ với rất nhiều loại máy tán sỏi ngoài cơ thể ra đời của nhiều nước khác nhau trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc… Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã trang bị máy tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích nhãn hiệu HD ESWL - V từ cuối năm 2008.
Đây là loại máy thuộc thế hệ thứ ba, có cơ chế phát sóng xung kích (ngoài cơ thể) để làm tan sỏi tiết niệu, định vị chính xác vị trí sỏi bằng X quang và siêu âm, là loại máy tối tân nhất hiện nay. Máy có thể tán sỏi ở thận, niệu quản…. Hiệu quả tán sỏi rất cao và an toàn cho người bệnh, không gây đau sau tán. Sau tán sỏi, bệnh nhân có thể ra về ngay nên không ảnh hưởng đến công việc, học tập.
Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể chỉ được áp dụng trong trường hợp sỏi chưa gây biến chứng nhiễm khuẩn niệu, đường tiểu dưới phải thông không bị hẹp hay dị dạng, người bệnh không mắc các bệnh về đông máu hay bệnh lý tim mạch kèm theo và mắc các loại sỏi như sỏi đài bể thận hoặc niệu quản trên với đường kính của viên sỏi nhỏ hơn 2 cm.
Tuy nhiên một số bác sĩ cũng áp dụng tán sỏi ngoài cơ thể cho một số viên sỏi có kích thước lớn hơn, nhưng thường với sỏi có kích thước lớn hơn 3 cm thì kết quả hạn chế và thường phải tán nhiều lần.
Sau khi tán sỏi xong, bệnh nhân cần uống nhiều nước trong vài ngày để những mảnh sỏi nhỏ có thể bài tiết theo đường tiểu ra ngoài.
MAI HÀ