Lời giải mới cho bài toán giảm quá tải bệnh viện
Thời gian qua, tỉnh có sự quan tâm đầu tư phát triển ngành Y tế, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của ngành. Quá tải bệnh viện là tình trạng nan giải tại các bệnh viện tuyến tỉnh.
MỞ HƯỚNG ĐI MỚI
Tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, các khoa, phòng được xây dựng từ năm 1998, nay đều xuống cấp. Mặt khác, bệnh viện đang gánh một lượng bệnh nhân vượt quá mức thiết kế gần gấp 2 lần. Bệnh nhân đôi khi phải nằm ghép, nằm ghế bố và nằm cả ngoài hành lang. Quá tải bệnh nhân tạo áp lực rất lớn đối với bệnh viện, là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Bệnh nhân được nhân viên y tế chăm sóc ân cần trong điều kiện tiện nghi. |
Về trang thiết bị y tế, các bệnh viện tuyến tỉnh trong toàn tỉnh đều được ngân sách tỉnh, nguồn vốn của Trung ương và các dự án đầu tư trang bị các thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, một thực trạng là các trang thiết bị y tế hiện có tại các bệnh viện không đồng bộ, có nhiều chủng loại khác nhau do được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau và được sử dụng quá công suất trong nhiều năm nên đã cũ và thường hay hư hỏng.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế và giáo dục của Chính phủ, tháng 3-2013 Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương đầu tư xây dựng “Khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu và kỹ thuật cao” (gọi tắt là Khu điều trị theo yêu cầu) bằng phương thức xã hội hóa.
Khu điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang là mô hình liên kết mới tại Tiền Giang, thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và của ngành về xã hội hóa công tác y tế, nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước.
Mục đích của mô hình liên kết này là nhằm giúp giảm quá tải bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện thông qua các dịch vụ kỹ thuật cao và đáp ứng các nhu cầu chăm sóc khác của người bệnh. Sau thí điểm này, lãnh đạo tỉnh tỉnh sẽ cho phép thực hiện mô hình tại các bệnh viện khác trong tỉnh”.
THÊM CƠ HỘI CHỌN LỰA CHO NGƯỜI BỆNH
Khu điều trị theo yêu cầu được xây dựng với các phân khu chức năng chính: Khối khám và điều trị được xây dựng kiên cố 1 trệt 3 lầu với gần 5.400m2 sàn gồm: Khu khám bệnh ngoại trú với 10 phòng khám phục vụ các chuyên khoa: Nội, Ngoại, Nhi… có khu vực chờ thông thoáng, sạch sẽ (máy lạnh toàn khu);
Phòng xét nghiệm có khả năng thực hiện đầy đủ các xét nghiệm về sinh hóa, miễn dịch, huyết học, đông máu… bằng hệ thống máy tự động cho kết quả nhanh, chính xác; Khu chẩn đoán hình ảnh trang bị máy CT Scanner, máy X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 3 - 4 chiều, máy nội soi, điện tim…;
Khu chạy thận nhận tạo với 12 máy HDF và HDF online do hãng B.Braun (Đức) sản xuất; 2 phòng mổ vô trùng đạt chuẩn. Tất cả các trang thiết bị đều đầu tư mới 100% và được cung ứng bởi các nhà sản xuất uy tín trong lĩnh vực y tế trên thế giới như: GE, Quantum, Toshiba, Olympus, Beckman Coulter, Sysmex…
Khu vực lưu bệnh nội trú với 156 giường, gồm 3 loại phòng: Phòng 1 giường, phòng 2 giường và phòng 3 giường. Mỗi phòng đều được trang bị hệ thống giường bệnh nhiều tiện ích, hệ thống liên lạc nội bộ giữa bệnh nhân tại giường bệnh và điều dưỡng, đặc biệt các phòng đều lắp đặt hệ thống máy lạnh, nhà vệ sinh có nước nóng với thiết kế hiện đại, tiện nghi theo tiêu chuẩn khách sạn nhằm gia tăng sự thoải mái cho người bệnh và thân nhân.
Ngoài ra, để giảm thiểu thời gian chờ đợi, lưu trữ tốt thông tin bệnh nhân và bệnh sử, tăng khả năng tương tác giữa các bác sĩ tại bệnh viện, dự án đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin gồm phần cứng và phần mềm để phục vụ công tác quản lý bệnh viện cả về chuyên môn và tài chính. Hệ thống này là cơ sở để thực hiện bệnh án điện tử trong thời gian tới.
Hiện tại, với sự hỗ trợ của phần mềm quản lý, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, viện phí được rút ngắn, qua đó góp phần giảm thiểu sự chờ đợi của người bệnh. Khi website được đưa vào hoạt động chính thức, cùng với tiện ích từ thẻ khám bệnh điện tử, người bệnh có thể dễ dàng đăng ký lịch khám bệnh, thanh toán trực tuyến, nhận kết quả xét nghiệm, xem lại toàn bộ quá trình điều trị trên website của Khu Điều trị theo yêu cầu.
Tháng 8-2014, Khu điều trị theo yêu cầu được đưa vào vận hành thử nghiệm, bình quân mỗi ngày tiếp nhận khám trên 400 lượt bệnh nhân ngoại trú, điều trị hơn 70 giường bệnh nội trú và hoạt động liên tục 3 ca của khu thận nhân tạo. Bên cạnh sự tham gia của đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh nhà, Khu điều trị theo yêu cầu đã liên kết với các chuyên gia đầu ngành tuyến trên trực tiếp khám bệnh tại bệnh viện.
Khu điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh là mô hình mới trong công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần thiết thực trong việc giải quyết quá tải tại bệnh viện. Từ nay, trên địa bàn TP. Mỹ Tho có thêm một nơi chăm sóc sức khỏe bảo đảm chất lượng chuyên môn, tiện nghi và thân thiện để người bệnh có thêm cơ hội chọn lựa khi cần chăm sóc sức khỏe.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Việc đưa vào sử dụng khu điều trị theo yêu cầu và kỹ thuật cao sẽ giúp không những người dân Tiền Giang mà còn người bệnh từ các tỉnh lân cận được thụ hưởng dịch vụ y tế có chất lượng.
Bên cạnh đó, giúp ngành Y tế Tiền Giang ngày càng phát triển, góp sức cùng ngành Y tế cả nước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”. Bộ trưởng cũng lưu ý, trong hoạt động, khu điều trị theo yêu cầu cần giữ vững thương hiệu của bệnh viện, cân đối hài hòa giữa lợi ích của người bệnh, nhân viên y tế, bệnh viện và nhà đầu tư.
HOÀNG HÀ