Thứ Sáu, 29/01/2016, 15:21 (GMT+7)
.

Loét miệng vì ăn nhầm cây môn trường sinh

Vừa qua, cháu Lê Yến N., 18 tháng tuổi, nhà ở phường 10, TP. Mỹ Tho được mẹ đưa vào Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh vì ăn lá cây môn trường sinh.

Mẹ cháu cho biết, cháu ngắt lá cây môn trường sinh trồng ở sân vườn đưa vào miệng nhai, rồi khóc ré lên, chảy nước miếng, kêu đau trong miệng. Mẹ cháu thấy vậy liền ngắt một miếng nhai thử, làm lưỡi tê rát, nên vội đưa con vào bệnh viện và không quên ngắt một nhánh cây này cho bác sĩ xem.

 

Tại bệnh viện, bác sĩ khám, phát hiện toàn bộ niêm mạc môi, miệng cháu N. bị phồng rộp, chảy nước dãi, cháu quấy khóc vì đau rát. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị ngộ độc lá cây môn trường sinh, đã cho cháu rửa miệng bằng nước muối, cho thuốc băng niêm mạc miệng, uống thuốc giảm đau và truyền dịch, sau 24 giờ cháu bớt đau, ăn được cháo.

Về chuyên môn, cây môn trường sinh có tên khoa học là Dieffenbachia Picta, có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ, được trồng rộng rãi trên thế giới. Cây có thân mập, cao 0,5 - 1 m, phiến lá mỏng, màu xanh bóng, có nhiều đốm trắng, vàng hoặc ánh bạc, ưa bóng râm và thời tiết mát. Loại cây này có thể sống trong phòng mà ánh sáng không đầy đủ.

Tuy nhựa cây này có chứa tinh thể Calcium Oxalate có thể gây ngứa da, nhưng hút được khí độc Xylene và toluene trong không khí (những khí độc mà nếu tiếp xúc lâu trong môi trường sống thì có thể gây mỏi cơ, lú lẫn). Chính tinh thể canxi oxalat chứa trong lá và thân của cây môn trường sinh có thể gây kích thích các phần da nhạy cảm, niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng hoặc kết mạc mắt khi người ta ăn nhầm hoặc dính phải dịch của nó tiết ra.

Một lượng nhỏ canxi oxalat đủ gây ngứa, nóng rát trong miệng, họng, làm sưng và ngạt thở. Khi liều lượng lớn hơn, canxi oxalat gây ra trạng thái nôn nao khó chịu mạnh với hệ tiêu hóa, có thể làm khó thở, nếu nhiễm quá nhiều chất này dễ dẫn đến co giật, hôn mê.

 

Để tránh ngộ độc, bà con phải tìm hiểu cây cảnh trước khi trồng trong nhà. Không cho trẻ bứt lá của cây cảnh để chơi vì trẻ rất tò mò, cái gì cũng đưa vào miệng. Khi phát hiện trẻ bị ngộ độc do ăn phải các loại lá này thì cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.