Phát triển y dược cổ truyền: Tiềm năng và thách thức
Quay lại sử dụng Đông dược và các phương pháp trị bệnh không dùng thuốc của y học phương Đông đang dần trở thành xu thế của xã hội. Để đáp ứng được nhu cầu đó của xã hội, đòi hỏi ngành Y tế phải có sự quan tâm đúng mực về phát triển y dược cổ truyền (YDCT).
![]() |
Khám bệnh cho trẻ em tại Phòng Chẩn trị YHCT. |
KHUYẾN KHÍCH CHỮA BỆNH BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Xây dựng nền YDCT Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc, đại chúng là mục tiêu hướng đến của Đảng và Nhà nước. Để đạt mục tiêu đó, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phát triển YDCT Việt Nam đến năm 2020.
Thực hiện Quyết định này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển YDCT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, đã được triển khai đến tất cả các cơ quan, đơn vị y học cổ truyền (YHCT) trong toàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là hiện đại hóa và phát triển mạnh YDCT trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; củng cố và phát triển mạng lưới YDCT; tiếp tục kế thừa, bảo tồn và phát triển YDCT kết hợp với y dược hiện đại.
Nam dược là một ưu tiên trong nghiên cứu điều trị bệnh của ngành Y tế. Các bài thuốc dân gian, thuốc gia truyền được đưa ra nghiên cứu tính hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh công tác thừa kế, nghiên cứu dịch thuật y văn…
Hàng năm, toàn tỉnh có hàng chục đề tài kế thừa có giá trị được công nhận như: Điều trị bệnh trúng phong, điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu, điều trị bệnh phong thấp, điều trị đau nhức xương khớp bằng thuốc Nam, điều trị bệnh mất ngủ…
Từ kết quả này cho thấy nhu cầu điều trị bệnh bằng Đông y của người dân ngày một tăng cao. Đặc biệt, người dân ngày càng ý thức được giá trị của những cây thuốc quanh nhà. Thuốc Nam bắt đầu được nhiều người bệnh tin dùng.
Về giá trị chữa bệnh của thuốc Nam được ngành Y tế công nhận là rất tốt, nhất là trong điều trị những bệnh mãn tính. Các chuyên gia về dược liệu học khẳng định: “Người Việt Nam đang sống trên đống thuốc”.
Thật vậy, y học đã chứng minh nhiều bài thuốc dân gian truyền nhau rất có hiệu quả trong điều trị bệnh, chẳng hạn: Thuốc chữa rắn cắn, thuốc chữa đau khớp, thuốc giúp hoạt huyết dưỡng não, thuốc giải độc gan, thuốc bổ thận… Điều đặc biệt là, nguyên liệu để bào chế ra những bài thuốc quý đó không xa lạ, mà chính là những rau, quả, cây thuốc quanh nhà.
Ngoài phương pháp chữa bệnh bằng thuốc, hiệu quả của các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc của YHCT đã được chứng minh và được tổ chức Y tế công nhận, trong đó thuật châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp trị bệnh và tập vật lý trị liệu đang được sử dụng phổ biến để điều trị một số bệnh mãn tính. Chẳng hạn, đối với chứng thoái hóa cột sống, phương pháp điều trị bằng các bài tập vật lý trị liệu rất hiệu quả, an toàn.
Chữa bệnh bằng YHCT được tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc phát triển YDCT vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.
CẦN QUAN TÂM HƠN NỮA
Trong 5 năm qua, nguồn lực đầu tư phát triển YDCT được tỉnh quan tâm. Nguồn nhân lực YDCT của tỉnh cũng liên tục được đào tạo, trong đó có 8 bác sĩ chuyên khoa cấp I và 36 bác sĩ. Bệnh viện YHCT tỉnh hoạt động tốt, với 80 giường kế hoạch, nhưng thực kê đến 120 giường do nhu cầu của bệnh nhân tăng.
Ngoài Bệnh viện YHCT tỉnh, số lượng bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế có khoa YHCT tăng gấp đôi so với năm 2011; số trung tâm y tế có tổ YHCT tăng 2,5 lần; chỉ còn 3 trung tâm y tế cấp huyện chưa có tổ YHCT là: Cái Bè, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy. Tất cả 173 trạm y tế trên toàn tỉnh có vườn thuốc Nam và 169 trạm duy trì hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT.
Trang thiết bị phục vụ công tác điều trị bằng YDCT được đầu tư. Tại Bệnh viện YHCT tỉnh, với phương châm kết hợp giữa YHCT và y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, các trang thiết bị cận lâm sàng đã được trang bị khá đầy đủ, từ máy siêu âm, điện tim, XQuang, xét nghiệm, laser nội mạch, laser chiếu ngoài cho tới máy châm cứu, đèn hồng ngoại…
Các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế và các phòng chẩn trị YHCT được trang bị gần 600 thiết bị phục vụ điều trị bệnh như: Máy điện châm, điện từ, đèn hồng ngoại, thiết bị laser điều trị…
Mặc dù có sự quan tâm và đầu tư nhưng nguồn lực để YDCT của tỉnh phát triển vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật YDCT còn nghèo nàn so với trang thiết bị y học hiện đại; nguồn nhân lực YHCT có trình độ đại học và sau đại học còn ít, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây số lượng lương y, lương dược giảm sút đáng kể do tuổi cao nhưng thiếu đội ngũ kế thừa.
Dược liệu cũng đang là vấn đề khó khăn của YDCT tỉnh nhà. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh sử dụng khoảng 200 tấn dược liệu. Phần lớn nguồn dược liệu này nhập từ địa phương khác, nguyên nhân là dù nguồn dược liệu tự nhiên của tỉnh phong phú, đa dạng nhưng phân bố rải rác, người dân chỉ thu hái tự nhiên chứ chưa được nuôi trồng theo quy mô lớn và chưa được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu hoạch.
Từ những hạn chế, khó khăn trong phát triển YHCT dẫn đến tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT so với tổng số lần khám, chữa bệnh của người dân hàng năm có tăng nhưng chưa đạt mục tiêu tỉnh đề ra. Hiện tỷ lệ này ở tuyến tỉnh chỉ đạt 7,8%, tuyến huyện đạt 10,5% và tuyến xã đạt 31,6%.
Để phát triển YDCT, tỉnh cần có sự quan tâm hơn nữa về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở cơ sở khám, chữa bệnh bằng YHCT theo đúng quy định của pháp luật.
THỦY HÀ