Thứ Tư, 18/05/2016, 14:19 (GMT+7)
.

Vắc xin phối hợp có thành phần ho gà vô bào hay toàn tế bào?

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối với các nước đang dùng vắc xin ho gà toàn tế bào, với lịch tiêm chủng Quốc gia không quá 4 mũi, cần tiếp tục duy trì, không nên chuyển đổi sang ho gà vô bào, trừ trường hợp cần tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin.

Khám sàng lọc trước tiêm chủng là việc làm bắt buộc để đảm bảo an toàn tiêm chủng. 		              Ảnh: Hạnh Nga
Khám sàng lọc trước tiêm chủng là việc làm bắt buộc để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Ảnh: Hạnh Nga

PHÂN BIỆT VẮC XIN

Vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào dịch vụ đang sử dụng hiện nay là Pentaxim chứa 5 thành phần kháng nguyên gồm bạch hầu, ho gà vô bào, uốn ván, bại liệt và Hemophilus influenza týp B, do Công ty Sanofi (Pháp) sản xuất, hiện đang được đăng ký sử dụng ở 99 nước trên thế giới.

Vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào như Quinvaxem chứa 5 thành phần kháng nguyên gồm bạch hầu, ho gà toàn tế bào, uốn ván, viêm gan B và Hemophilus influenza týp B, do Công ty Crucell Hàn Quốc sản xuất (trong đó thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván được sản xuất tại Đức; thành phần kháng nguyên Hib nhập từ Ý, Hàn Quốc chỉ sản xuất thành phần viêm gan B), đã được WHO tiền thẩm định về chất lượng, hiện đang được sử dụng ở 94 nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, từ tháng 6-2010 vắc xin Quinvaxem đã được đưa vào sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, với gần 25 triệu liều đã được sử dụng cho trẻ em.

Điều khác biệt cơ bản mà mọi người quan tâm là về thành phần ho gà. Vắc xin ho gà toàn tế bào là vắc xin chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ. Còn vắc xin vô bào là vắc xin tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn.

Điều đó giải thích lý do tại sao vắc xin ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắc xin ho gà vô bào. Đó cũng là một ưu điểm quan trọng, vì với kháng nguyên toàn tế bào nên vắc xin ho gà toàn tế bào kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu bảo vệ cao hơn vắc xin ho gà vô bào. Ngoài ra, vắc xin ho gà toàn tế bào có giá thành thấp hơn nhiều so với vắc xin ho gà vô bào.

Theo WHO, mặc dù các phản ứng hệ thống và tại chỗ thường liên quan với vắc xin ho gà toàn tế bào, nhưng cả hai vắc xin ho gà toàn tế bào và ho gà vô bào đều an toàn như nhau về các phản ứng nặng và tử vong. Kết quả giám sát và nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, các trường hợp tử vong hầu hết là trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ mà không liên quan tới vắc xin.

Được biết, vừa qua Ủy ban Tư vấn toàn cầu về an toàn vắc xin của WHO kết luận vắc xin Quinvaxem là một trong những vắc xin an toàn nhất hiện nay, có lợi ích rất to lớn về y tế công cộng trong việc bảo vệ 5 bệnh phổ biến ở trẻ em chỉ bằng một mũi tiêm.

KINH NGHIỆM SỬ DỤNG VẮC XIN HO GÀ VÔ BÀO

Tại Mỹ, trước khi có vắc xin, bệnh ho gà hàng năm gây bệnh cho hơn 200.000 người và làm tử vong 10.000 người. Sau khi đưa vắc xin ho gà toàn tế bào vào sử dụng, trong năm 1976, tỷ lệ bệnh ho gà giảm đến 95%. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang dùng ho gà vô bào vào năm 1990, dịch ho gà bắt đầu bùng phát vào các năm sau đó.

Cụ thể dịch ho gà có xu hướng xảy ra theo chu kỳ và nặng nhất vào những năm 2005, năm 2010 và năm 2014. Dịch có chu kỳ khoảng 5 năm và nguyên nhân do sự giảm miễn dịch bảo vệ của ho gà vô bào và sự tích lũy các ca này theo từng năm.

Dịch năm 2014 tại Mỹ được cho là lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Ngay cả khi đã bổ sung lịch tiêm nhắc lại nhiều mũi (ngoài 3 liều cơ bản, tiêm nhắc lại cho trẻ em 4 - 6 tuổi, 11 - 12 tuổi và cả phụ nữ mang thai ở tuần thứ 27 - 36) nhưng hiện tại, hàng năm tại Mỹ vẫn ghi nhận từ 10.000 - 40.000 ca mắc và 10 - 20 ca tử vong vì bệnh này.

Một báo cáo của WHO năm 2015 về tỷ lệ bệnh ho gà tại 19 nước (4 nước thu nhập trung bình khá và 15 nước thu nhập cao) cho thấy, dù không có sự bùng phát dịch ho gà trên toàn cầu nhưng tại 5/19 nước (Australia, Chilê, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ), dịch ho gà thật sự đã gia tăng. Trong số 5 nước này, có 4 nước trước đó đã chuyển từ ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào (chỉ có Chilê dùng ho gà toàn tế bào và dịch ho gà xảy ra tại Chilê được cho là do tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp).

Riêng tại 4 nước (Australia, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ), nhất là tại Australia, Anh, Mỹ, các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính do giảm hiệu quả bảo vệ khi tiêm vắc xin ho gà vô bào dẫn đến tích lũy số ca nhạy cảm và sau đó bùng dịch theo chu kỳ, cho dù tỷ lệ bao phủ vắc xin tại các nước này đều khá cao, hơn 85%. Sự bùng phát dịch ho gà chưa thấy xuất hiện tại các nước dùng ho gà toàn tế bào và có tỷ lệ tiêm chủng cao.

KHUYẾN CÁO VỀ SỬ DỤNG VẮC XIN HO GÀ

Vấn đề chuyển đổi vắc xin từ ho gà toàn tế bào sang vô bào cần cân nhắc đến khả năng kiểm soát dịch xảy ra, đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin cho các liều tiêm nhắc cũng như chiến lược tiêm cho các bà mẹ mang thai nhằm bảo vệ cho các trẻ ngay sau khi sinh, hạn chế tử vong trong trường hợp dịch ho gà xảy ra do việc dùng vắc xin ho gà vô bào.

Khuyến cáo của WHO (tháng 8-2015) đối với các nước đang dùng vắc xin ho gà toàn tế bào, với lịch tiêm chủng Quốc gia không quá 4 mũi, cần tiếp tục duy trì, không nên chuyển đổi sang ho gà vô bào trừ trường hợp cần tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin.

Tại Việt Nam, lịch tiêm vắc xin toàn tế bào hiện nay là 3 mũi cơ bản (Quinvaxem) vào tháng thứ 2, 3, 4 và 1 mũi (DPT) vào lúc 18 tháng tuổi. Với lịch tiêm này, tỷ lệ tiêm chủng cao chúng ta đã kiểm soát tốt bệnh ho gà hơn 30 năm qua bằng các loại vắc xin ho gà toàn tế bào (vắc xin ho gà toàn tế bào trước đây do Việt Nam sản xuất sau đó chuyển sang Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất).

Nếu thay bằng vắc xin có thành phần ho gà vô bào cần lường trước khả năng bùng phát dịch, nguồn lực để tiêm chủng, cũng như tính chấp nhận của cộng đồng đối với đối tượng tiêm chủng 4 - 6 tuổi, 11 - 12 tuổi và phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, trong chiến lược đến năm 2020 và năm 2025, xu thế trên thế giới sẽ sử dụng vắc xin bại liệt tiêm và kết hợp vắc xin thành phần ho gà vào vắc xin 6 trong 1 (thành phần ho gà toàn tế bào hoặc vô bào). Do đó, việc thay đổi còn phụ thuộc vào sự tiến bộ của khoa học, tiện lợi trong lịch tiêm chủng và đặc biệt là miễn dịch cộng đồng.

  LÊ ĐĂNG NGẠN

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh

.
.
.