Chủ Nhật, 21/05/2017, 06:04 (GMT+7)
.

Có thể giảm hàng trăm đầu mối đơn vị sự nghiệp y tế

Báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ  trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ngành có thể giảm hơn 300 đầu mối các đơn vị sự nghiệp, trung tâm tuyến tỉnh và 450 đầu mối đơn vị sự nghiệp tại 450 huyện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 20/5, tại trụ sở Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ ngành làm việc với Bộ Y tế để khảo sát, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Xây dựng Đề án trình Trung ương thảo luận

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cho biết trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách về đổi mới khu vực sự nghiệp công lập và tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

Nghị quyết  Trung ương 4 khóa XII đã xác định cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Trung ương đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII vào tháng 10/2017.

Việc khảo sát tại Bộ Y tế là buổi làm việc đầu tiên của Ban Chỉ đạo tại các bộ, ngành và một số địa phương để xây dựng Đề án trình Trung ương Đảng thảo luận, thông qua một Nghị quyết về vấn đề này.

Phó Thủ tướng cho biết Đề án bao gồm 3 thành tố chính. Mục tiêu của đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống là để hệ thống tinh gọn, ít đầu mối hơn nhưng hoạt động với chất lượng cao hơn, thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công lập. Còn đổi mới cơ chế tài chính là thay đổi phương thức cấp phát ngân sách, tăng cường cơ sở vật chất cho đơn vị, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.

Nỗ lực của Bộ Y tế

Theo Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tới nay, ngành y tế công lập có 111 đơn vị do Trung ương quản lý, hơn 2.000 đơn vị do khối địa phương quản lý. Tổng số nhân lực y tế công lập hiện khoảng hơn 440.000 người. Số lượng đơn vị y tế tự đảm bảo chi thường xuyên ngày càng tăng.

Về cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, từ chỗ hoạt động chuyên môn theo kế hoạch giao, chờ cấp ngân sách để chi tiêu, đến nay các đơn vị đã được chủ động trong thu, chi. Hiện có 3 nhóm đơn vị: Tự chủ toàn bộ tài chính cho chi thường xuyên; tự chủ một phần và nhóm do Nhà nước đảm bảo.

“Các cơ sở khám, chữa bệnh đã chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”, nhiều bệnh viện đã hiểu rõ không có người bệnh thì sẽ không có điều kiện để phát triển chuyên môn và hơn thế bệnh viện có thể phải đóng cửa. Ở nhiều nơi người thầy thuốc cũng đã nói lời cảm ơn với người bệnh. Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2016 cho thấy người dân đã hài lòng hơn về y tế công lập, nhất là ở các bệnh viện tuyến quận, huyện”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo Bộ trưởng Y tế, ngành sẽ tiến tới xoá bỏ "chế độ chủ quản" đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tạo điều kiện để các đơn vị tự chủ tài chính, giúp Nhà nước dành ngân sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Năm 2017, do thực hiện được giá dịch vụ có tính tiền lương nên ước tính cả nước có khoảng 100 bệnh viện công đã tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên.

Bộ Y tế cũng nỗ lực tổ chức lại hệ thống theo hướng giảm đầu mối, tăng cường hiệu quả hoạt động, đặc biệt là các đơn vị tại tuyến tỉnh, huyện. Theo báo cáo của 36 tỉnh, thành phố, đã có 22 tỉnh có quyết định thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh trên cơ sở sáp nhập từ 2 -8 trung tâm hiện có tại tuyến tỉnh (giảm gần 100 trung tâm tuyến tỉnh). "Khi toàn bộ 63 tỉnh thành phố thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, ước tính sẽ giảm hơn 300 đầu mối các đơn vị sự nghiệp, trung tâm tuyến tỉnh”, Bộ trưởng Y tế nhận định.

Ở tuyến huyện, cả nước đã có 19 tỉnh đã thực hiện sáp nhập và hình thành mô hình Trung tâm y tế huyện thực hiện 2 chức năng. Nếu tất cả 63 tỉnh, thành phố đều thực hiện mô hình Trung tâm Y tế huyện 2 chức năng này sẽ giảm được 450 đầu mối đơn vị sự nghiệp tại 450 huyện (trước đây tách riêng Trung tâm Y tế huyện và bệnh viện huyện). Mỗi đầu mối sẽ giảm 3-4 cán bộ lãnh đạo, quản lý và hàng chục viên chức khối hành chính, phục vụ.

Không vì lợi ích cục bộ mà sợ mất quyền

Đánh giá những công việc mà ngành đã thực hiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Y tế là cơ quan đi đầu trong đổi mới cơ chế hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh đi liền với đổi mới cơ chế tài chính. "Thời gian qua, Bộ đã dần thực hiện chuyển từ cơ chế phí sang giá khám chữa bệnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ, bài bản với các bộ, ngành trong kiểm soát giá cả dịch vụ, lạm phát của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, qua ý kiến các bộ, ngành, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế và ngành y cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới cơ chế quản lý, tài chính và sắp xếp lại hệ thống đơn vị sự nghiệp.  Theo đó, Bộ Y tế hoàn thiện lại báo cáo đầy đủ hơn, đề xuất phương án sửa luật cụ thể để bảo đảm hoạt động các đơn vị sự nghiệp đi đúng hướng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với Bộ Y tế cũng như các bộ, ngành liên quan rằng "tinh thần là nhìn thẳng vào sự thật. Không vì lợi ích của bộ mình, ngành mình mà sợ mất quyền, mà phải vì lợi ích quốc gia đất nước là trên hết".

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại chủ trương “xóa vai trò chủ quản” tại các đơn vị sự nghiệp và đặt vấn đề về cơ cấu lại vai trò cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm y tế là công cụ an sinh xã hội hiệu quả của nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tập trung thực hiện sắp xếp các đầu mối của các đơn vị, tập trung đánh giá kỹ vai trò của hơn 400 phòng khám đa khoa khu vực (ở tuyến huyện) để tránh chồng chéo nhiệm vụ, biên chế. “Mỗi phòng khám như vậy cũng sinh ra đủ ban bệ bảo vệ, văn thư, kế toán,… sẽ làm tăng biên chế. Đồng thời tìm cách nâng cao năng lực khám chữa bệnh của các trạm y tế cấp xã”, Phó Thủ tướng nói.

Bộ Y tế cần đề xuất giải pháp thực sự mạnh mẽ và đột phá, trong đó có việc đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ y tế, khám chữa bệnh để đạt mục tiêu tăng cường năng lực, mở rộng quy mô khám chữa bệnh cho người dân; đi liền với đó là phân định rõ hệ thống công- tư trong y tế, bảo đảm không phân biệt ứng xử công- tư.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.