Thứ Tư, 31/05/2017, 06:19 (GMT+7)
.

Mỗi năm thuốc lá giết chết hơn 40.000 người Việt Nam

Theo báo cáo mới xuất bản của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hành động để làm giảm sử dụng thuốc lá có thể giúp các quốc gia ngăn ngừa hàng triệu ca bệnh và tử vong do thuốc lá gây ra, giúp chống đói nghèo và làm giảm ô nhiễm môi trường ở quy mô lớn.

Biển báo cấm hút thuốc tại một nhà hàng. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Biển báo cấm hút thuốc tại một nhà hàng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhân Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2017, WHO nhấn mạnh rằng thuốc lá đang đe dọa sự phát triển của các quốc gia trên thế giới và kêu gọi các chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm mạnh mẽ để soát thuốc lá.

Các biện pháp bao gồm cấm tiếp thị và quảng cáo thuốc lá, thúc đẩy việc đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn theo chuẩn mực chung, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và thực hiện môi trường không khói thuốc ở những nơi công cộng và nơi làm việc trong nhà.

Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây ra

Việc sử dụng thuốc lá giết chết hơn 7 triệu người mỗi năm và khiến các hộ gia đình và chính phủ tiêu tốn 1.400 tỷ USD thông qua chi phí y tế và năng suất bị mất.

Giám đốc Văn phòng WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, tiến sỹ Shin Young-soo, cho biết: "Thuốc lá đe dọa tất cả chúng ta. Thuốc lá làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo, giảm năng suất kinh tế, làm mất đi nguồn thu nhập của hộ gia đình mà lẽ ra nên dùng cho thực phẩm và giáo dục, và bắt buộc nhiều người phải chi trả chi phí chữa bệnh do nó gây ra."

Tiến sỹ Shin nói thêm: “Nhưng bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả, các chính phủ có thể bảo vệ tương lai của quốc gia bằng cách bảo vệ người dân khỏi các sản phẩm chết người này, đồng thời qua biện pháp tăng thuế thuốc lá, có thể tạo ra thêm nguồn thu để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, các dịch vụ xã hội khác và bảo vệ môi trường khỏi sự tàn phá do thuốc lá gây ra.”

Tất cả các nước đều cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững nhằm tăng cường hòa bình và xóa nghèo.

Các yếu tố chính trong chương trình nghị sự này bao gồm việc thực hiện Công ước khung của WHO về Kiểm soát thuốc lá và đến năm 2030 giảm 1/3 số tử vong do bệnh không lây nhiễm, bao gồm bệnh tim và phổi, ung thư và tiểu đường, mà trong đó thuốc lá là một nhân tố gây bệnh đóng vai trò chính.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 40.000 người chết do thuốc lá. Theo ước tính của WHO, con số này có thể tăng thành 70.000 trường hợp mỗi năm nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tổn thất về kinh tế của thuốc lá ước tính hơn 24.600 tỷ đồng hay 1,17 tỷ USD mỗi năm.

Tác động gây hại của thuốc lá với sức khỏe và nền kinh tế tích tụ theo thời gian, vì vậy cần phải có hành động để ngăn ngừa xu hướng tiếp tục gia tăng số tử vong do thuốc lá và những tổn thất kinh tế do nó gây ra trong những năm tới.

Thuốc lá hủy diệt môi trường

Báo cáo lần đầu tiên của WHO về thuốc lá và môi trường có tiêu đề “Tổng quan về Thuốc lá và tác động môi trường của nó,” cho thấy những tác động của sản phẩm này đối với thiên nhiên bao gồm:

Chất thải thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, bao gồm chất gây ung thư của con người.

Khí thải khói thuốc lá góp thêm hàng ngàn tấn chất gây ung thư, chất độc và khí nhà kính của con người vào môi trường. Và chất thải thuốc lá là loại rác thải lớn nhất trên thế giới.

Khoảng 10 tỷ trong số 15 tỷ điếu thuốc lá bán ra hàng ngày được thải ra môi trường.

Đầu mẩu thuốc lá chiếm tới 30-40% trong tổng số các loại rác thu dọn được tại các cuộc tổng dọn dẹp khu vực ven biển và đô thị.

Thuốc lá đe dọa phụ nữ, trẻ em và sinh kế

Thuốc lá đe dọa tất cả mọi người, và sự phát triển của quốc gia và khu vực bằng nhiều cách, bao gồm:

Nghèo đói: Khoảng 860 triệu người hút thuốc là những người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ở những hộ nghèo nhất, chi tiêu cho các sản phẩm thuốc lá thường chiếm hơn 10% tổng chi tiêu hộ gia đình - nghĩa là gia đình đó còn lại ít tiền hơn cho lương thực, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Trẻ em và giáo dục: Việc trồng thuốc lá khiến trẻ em bỏ học. Ước tính từ 10-14% trẻ em từ các gia đình trồng cây thuốc lá bỏ học vì phải làm việc trong lĩnh vực thuốc lá.

Phụ nữ: 60-70% công nhân trồng cây thuốc lá là phụ nữ, khiến họ phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất thường là những loại độc hại.

Y tế: Thuốc lá gây ra 16% tổng số các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm.

Thuế là một công cụ kiểm soát thuốc lá mạnh

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, tiến sỹ Lokky Wai, cho biết: “Nhiều quốc gia đã tiến hành các biện pháp kiểm soát thuốc lá như từ việc hạn chế quảng cáo và tiếp thị, cho tới việc thực hiện môi trường không khói thuốc ở nơi công cộng và nơi làm việc. Nhưng một trong những biện pháp kiểm soát thuốc lá có hiệu quả nhất mà lại đáp ứng được yêu cầu phát triển đó là thông qua việc tăng thuế và giá thuốc lá.”

Hiện tại, chính phủ các nước trên toàn thế giới thu thuế tiêu thụ đặc biệt với giá trị khoảng gần 270 tỷ USD mỗi năm, nhưng con số này có thể tăng thêm 50%, tạo ra thêm 141 tỷ USD mỗi năm nếu tăng thêm thuế ở mức 0,8 USD với mỗi bao thuốc lá.

Ở tất cả các nước, tăng thu nhập từ thuế thuốc lá sẽ giúp tăng cường việc huy động nguồn lực từ trong nước, từ đó tạo ra không gian tài chính cần thiết cho các quốc gia để đạt được các ưu tiên phát triển theo Chương trình nghị sự 2030.

Việt Nam nằm trong nhóm những nước có mức thuế thuốc lá rất thấp trên thế giới. Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 40% giá bán lẻ, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 58% và thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của WHO là 75% giá bán lẻ.

“Khi thuế thuốc lá tăng lên, nó sẽ dẫn tới việc giảm hút thuốc lá và đồng thời giúp tăng thu nhập từ thuế của chính phủ. Vì vậy, tăng thuế là một biện pháp lợi cả đôi đường: lợi cho cả sức khoẻ cộng đồng và lợi cho thu nhập của chính phủ,” tiến sỹ Lokky Wai nói.

Bệnh do thuốc lá gây ra là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khoẻ cộng đồng mà thế giới phải đối mặt, gây ra hơn 7 triệu các tử vong sớm mỗi năm.

Đồng thời sử dụng thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Kiểm soát thuốc lá là một công cụ mạnh mẽ nhằm cải thiện sức khoẻ trong cộng đồng và để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Mục tiêu của SDG số 3.4 là nhằm giảm 1/3 tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm vào năm 2030, bao gồm các bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính, bệnh ung thư và bệnh tiểu đường.

Mục tiêu SDG khác, số 3.a, kêu gọi thực hiện Công ước khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá (WHO FCTC).

Công ước này đã có hiệu lực từ năm 2005, và các Bên của nó có nghĩa vụ phải thực hiện một số biện pháp để giảm nhu cầu và giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá.

Các hành động được đưa ra trong Công ước bao gồm việc bảo vệ người dân khỏi hút thuốc thụ động, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, cấm bán thuốc lá cho người tuổi vị thành niên, yêu cầu cảnh báo sức khoẻ trên bao bì thuốc lá, cung cấp hỗ trợ cho việc cai thuốc lá, tăng thuế thuốc lá và tạo cơ chế phối hợp quốc gia về kiểm soát thuốc lá.

Hiện đã có 180 Bên tham gia Công ước./.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/who-moi-nam-thuoc-la-giet-chet-hon-40000-nguoi-viet-nam/448981.vnp)

.
.
.