Tăng cường vận động để ngừa tiểu đường ở trẻ em
Ngày 20-4-2017 bé Nguyễn Thị Thanh Thảo, 11 tuổi, nhà ở xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang vào viện trong tình trạng rất nguy kịch: Em hôn mê, mắt thụt sâu, thở lúc chậm, lúc nhanh. Bác sĩ nhanh chóng cấp cứu cho cháu với chẩn đoán là hôn mê do nhiễm cetone do bệnh tiểu đường típ 1. Sau một ngày điều trị em tỉnh dần, sức khỏe cải thiện tốt. Mẹ bé T nói rằng mấy tháng nay thấy cháu đi tiểu hoài, uống nhiều nước và ăn nhiều nhưng vẫn bị sụt cân, rồi tự nhiên cháu sáng nay cháu ngủ vùi, gia đình kêu không ư hử gì nên mới đưa vô bệnh viện.
Mẹ bé T khóc hết nước mắt khi thấy bé tự nhiên nguy kịch, hỏi bác sĩ vì sao cháu T lại bệnh như vậy. Bác sĩ trấn an chị: “Cháu bị bệnh tiểu đường có biến chứng nặng, rất may là cháu đã qua khỏi tình trạng nguy hiểm, nhưng bệnh này phải điều trị và theo dõi đều đặn thì cháu vẫn phát triển về thể chất bình thường. Có 3% trường hợp trẻ bị tiểu đường có thể phục hồi tự nhiên”.
Về chuyên môn, tiểu đường là một rối loạn chuyển hóa mãn tính do thiếu hormon insuline hoặc do khiếm khuyết tác động của insuline. Insuline là hormon duy nhất làm giảm được đường trong máu. Đây là bệnh lý nội tiết thường gặp ở trẻ em với tần suất chiếm 1,9% trẻ em, hiếm gặp dưới 2 tuổi, chủ yếu xảy ra ở trẻ từ 5 đến 7 tuổi và ở nhóm tuổi dậy thì từ 11 đến 13 tuổi. Ở trẻ em thường gặp tiểu đường loại 1, phụ thuộc insuline, khác với người lớn trên 40 tuổi là tiểu đường loại 2, không phụ thuộc insuliine. Nguyên nhân bệnh tiểu đường ở trẻ em là do di truyền, trong gia đình trẻ nhỏ có người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Trong đó có một số yếu tố thuận lợi như nhiễm siêu vi (siêu vi phá hủy tế bào tiết insuline), trẻ bú sữa bò (sữa bò có chất làm phá hủy tế bào tiết insuline). Đặc biệt nhất là việc ăn uống quá thừa chất, và lối sống lười vận động, dẫn đến béo phì, thừa cân ở trẻ nhỏ, là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ.
Phòng bệnh tiểu đường ở trẻ em cần phải chú ý chế độ ăn uống và tăng cường vận động. Về ăn uống nên ăn thức ăn giàu chất xơ như loại rau xanh như bắp cải, rau cần, rau bí, rau muống …và tăng cường vận động cho trẻ. Với trẻ bị đái tháo đường loại 1, vẫn có chế độ ăn như bình thường, chỉ cần hạn chế (không phải là cấm tuyệt đối) cho trẻ ăn đồ ngọt, hạn chế tinh bột và hạn chế dùng mỡ động vật. Cho trẻ bị đái tháo đường ăn thành nhiều bữa trong ngày vì ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao.
Có chế độ vận động hợp lý giúp loại bỏ một số nguyên nhân gây bệnh tiểu đường. Chế độ vận động luyện tập thể dục thể thao đóng một vai trò quan trọng. Khi vận động giúp trẻ giảm cân, giảm mỡ trong máu, tăng cường sức đề kháng và từ đó làm giảm đường huyết. Các môn tập vận động cho trẻ bao gồm đi bộ, cầu lông, bơi lội…phù hợp với thể trạng từng lứa tuổi. Chú ý khi đường huyết tăng quá cao hoặc quá thấp thì phải nghỉ ngơi và dùng thuốc ổn định đường huyết rồi mới tập vận động để tránh những biến chứng nguy hiểm.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC