Thứ Tư, 21/06/2017, 22:18 (GMT+7)
.

Bỏ điều trị phòng ngừa, bệnh suyễn dễ trở nặng

Tối ngày 20-6-2017 bé Trần Trọng N, 9 tuổi, nhà ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang vào viện vì ho, khò khè, khó thở. Bác sĩ khám thấy em lừ đừ, phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở,  nói từng câu không ra hơi, môi tím tái nên đã chẩn đoán em bị cơn hen phế quản nguy kịch, phải cấp cứu cấp tiếp hơi cho em, rồi chích thuốc, phun thuốc…sau một giờ thì em khỏe lại, bớt khó thở. Mẹ em N kể cho bác sĩ nghe là em N đang điều trị bệnh suyễn suốt hai năm qua, tháng nào cũng đi tái khám, nhưng thời gian gần đây cháu nghĩ hè, về quê chơi nên không tái khám và uống thuốc phòng ngừa, nên mới lên cơn nặng như vậy.

Về chuyên môn, bệnh hen suyễn là một bệnh viêm mãn tính của đường thở. Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường thở (chủ yếu là phế quản) sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở. Suyễn là bệnh có tính chất gia đình, di truyền và hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm. Tuy suyễn là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiễm soát tốt được. Phòng ngừa suyễn sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt, học tập, vui chơi bình thường.

Để phòng ngừa bệnh suyễn cần những nguyên nhân khởi phát cơn hen như: Không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ, không để thú vật (chó, mèo,…) trong nhà, diệt gián, không để những chất nặng mùi trong nhà, tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng , thuốc xịt muỗi, côn trùng, tránh nhang khói, nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm.

Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ, duy trì không khí sạch và trong lành. Đối với sử dụng thuốc phòng ngừa, bà con chú ý phải dùng lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám thường xuyên ở cơ sở y tế có chuyên khoa quản lý bệnh suyễn, không được bỏ thuốc nữa chừng rất nguy hiểm, có thể làm cơn suyễn tái phát nặng hơn.

                                                          BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.