Thứ Hai, 17/07/2017, 19:02 (GMT+7)
.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh: Chuyện nghề giờ mới kể

28 năm công tác trong ngành Y, điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh được biết đến là người tận tụy với công việc, không ngừng rèn luyện y đức và đam mê nghiên cứu khoa học. Với quá trình lao động khoa học nghiêm túc, chị Linh đã có bề dày thành tích là người chủ trì 11 đề tài nghiên cứu khoa học, 12 sáng kiến cải tiến, 18 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…

Điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh giải quyết các trường hợp khiếu nại, thắc mắc của bệnh nhân.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh giải quyết các trường hợp khiếu nại, thắc mắc của bệnh nhân.

SỢ NHẤT SỰ VÔ CẢM

Năm 1988, sau khi tốt nghiệp ngành Điều dưỡng của Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương III, chị Linh về công tác tại Khoa Nhi của Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy (nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy). Đến năm 1993, chị được điều động về Phòng Điều dưỡng. Với vai trò là Trưởng phòng, ngoài quản lý nhân sự của phòng, chị còn chịu trách nhiệm quản lý chuyên môn, phối hợp điều động nhân sự giữa các khoa, phòng để phục vụ công tác chăm sóc bệnh nhân; đồng thời, chị còn tham gia trực chuyên môn, chăm sóc bệnh nhân và trực tiếp chuyển bệnh cấp cứu. Đầu tháng 7-2017, chị Linh lại được điều động giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Công tác xã hội - Truyền thông của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy.

Với ngần ấy thời gian gắn bó với công việc điều dưỡng nhưng khi bắt đầu câu chuyện về nghề, chị Linh cho biết, có nhìn thấy những bệnh nhân gầy gò, đau đớn, khắc khoải do bệnh tật; những tiếng òng ọc khi ống thở khí của bệnh nhân bị chệch khỏi vị trí hay những lần hút đờm từ họng bệnh nhân…thì mới thấu hiểu được hết những nỗi vất vả của các điều dưỡng phải trải qua mỗi ngày.

Theo chị Linh, mỗi ngày, một điều dưỡng phải làm nhiều công việc khác nhau, chăm sóc chu đáo cho từng bệnh nhân, từ việc vệ sinh đến các thủ thuật khác. Phần lớn trong số họ đang đứng ở lằn ranh của sự sống và cái chết. Đôi khi sự nhanh hay chậm của đội ngũ y, bác sĩ cũng quyết định đến sự sống còn của người bệnh. “Hiểu sâu sắc trọng trách đó nên dù vất vả, tôi vẫn luôn động viên đội ngũ điều dưỡng của bệnh viện làm việc hết mình, bất kể ngày hay đêm. Bởi tôi hiểu sự sống và tính mạng của bệnh nhân quý giá vô cùng” - chị Linh chia sẻ.

Nhiều năm trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, chị Linh không nhớ nỗi bao lần mình phải kìm nén nước mắt trước bệnh nhân. Đó là những bệnh nhân còn rất trẻ hay những người mắc bệnh hiểm nghèo, bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu... Nhưng cũng có không ít lần chị đã chực khóc khi có những bệnh nhân trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê. Lại có những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, không chịu chích thuốc, uống thuốc, thậm chí có những bệnh nhân giật tung hết ống thở oxy ra… “Những lúc đó, hơn ai hết với trách nhiệm là điều dưỡng, tôi biết rằng do họ có bệnh mới làm như vậy, có bệnh mới đến bệnh viện nên phải động viên, dỗ dành họ” - chị Linh nói.

Trong quá trình công tác, chị Linh cũng đã có nhiều năm trực tiếp tham gia chuyển bệnh cấp cứu. Chị kể: Những ca nặng, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, trên đường cấp cứu đều phải xử lý bằng cách đặt ống thở hay bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực trước khi chuyển tới bệnh viện. “Công việc này đòi hỏi bản lĩnh của người thầy thuốc, vì hằng ngày phải cứu các bệnh nhân qua cơn “thập tử nhất sinh”. Do đó, cấp cứu thế nào cho nạn nhân bớt tổn thương, bớt di chứng, mau chóng bình phục là điều trăn trở đối với những người tham gia công tác cấp cứu...” - chị Linh chia sẻ.

Tuy công việc điều dưỡng vất vả với nhiều áp lực nhưng để đổi lại cơ hội được sống, được phục hồi của nhiều người bệnh, chị Linh đã vượt qua tất cả và yêu cái nghề nhọc nhằn mà rất cao đẹp này. Theo chị Linh, để làm tốt công việc, điều dưỡng phải xem bệnh nhân như người nhà, dành nhiều tình cảm và thật lòng quan tâm đến họ. Bởi ở bệnh viện, điều dưỡng ngoài việc chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, theo dõi tình trạng bệnh thì còn chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân. Những công việc của điều dưỡng hầu như giống nhau nhưng cách thức làm tùy vào cái “tâm” mỗi người. Đối với chị Linh, nỗi sợ lớn nhất khi làm nghề điều dưỡng là vô cảm với nỗi đau của bệnh nhân.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh (đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy.                                             Ảnh: HỮU NGHỊ
Điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh (đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy. Ảnh: HỮU NGHỊ

HAM HỌC HỎI VÀ MÊ NGHIÊN CỨU

Mặc dù khá bận rộn với công việc nhưng chị Linh vẫn dành thời gian để nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khả năng tự học. Sau khi lấy Chứng chỉ B Tin học, năm 2006, chị đề xuất và được Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy chấp thuận chủ trương tổ chức các lớp xóa mù Tin học cho toàn thể cán bộ, công nhân viên đơn vị.

Nhờ nắm vững thao tác thực hành phần mềm xử lý số liệu, chị đã phối hợp, hỗ trợ nhiều đồng nghiệp trong đơn vị thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cũng như luận văn thạc sĩ, đề tài chuyên khoa. Về quản lý chuyên môn, chị thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nhân viên thực hiện đúng kỹ thuật, quy trình và định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ để giúp nâng cao tay nghề cho nhân viên. Ngoài ra, chị còn chủ động viết quy trình để nhân viên thực hiện nhằm hạn chế những sai sót như: Kỹ thuật tiêm thuốc an toàn, quy trình chuyển viện an toàn…

Ở chị Linh, sự học và nghiên cứu khoa học là quyển vở hầu như không có trang cuối. Bởi theo chị, còn sức khỏe là còn học tập, nghiên cứu để có những cải tiến áp dụng vào đời sống, công việc một cách hiệu quả nhất. Với quan niệm này, chị Linh vẫn sắp xếp thời gian, tự túc kinh phí tham dự khóa đào tạo sau đại học và đã tốt nghiệp thủ khoa Chương trình đào tạo Chuyên khoa I ngành Điều dưỡng ở tuổi 47. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian 26 năm (từ năm 1990 đến năm 2016), chị đã chủ trì thực hiện 23 đề tài khoa học (11 đề tài nghiên cứu khoa học và 12 sáng kiến cải tiến) được giới y khoa trong, ngoài nước đánh giá cao về tính hiệu quả và khả năng ứng dụng.

Với những cống hiến và thành tích đạt được, điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh xứng đáng trở thành đại biểu đại diện công nhân, viên chức, lao động của tỉnh Tiền Giang tham dự Lễ tuyên dương Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Chị Linh cũng từng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và phong tặng danh hiệu cao quý “Thầy thuốc Ưu tú”; đồng thời chị còn nhận được nhiều sự tôn vinh, tặng thưởng khác của Trung ương và địa phương.

P. NGHI

.
.
.