Cần kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Tháng 11-2016, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) giai đoạn 2016 - 2025 (gọi tắt là Đề án) trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Kế hoạch này, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) trở lại mức cân bằng tự nhiên.
Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
Với Đề án này, tỉnh quyết tâm kéo giảm tốc độ gia tăng TSGTKS, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt dưới mức 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, đạt 107 bé trai/100 bé gái sau năm 2025 và đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên (103 - 107 bé trai/100 bé gái).
SGTKS của Tiền Giang hiện thấp hơn TSGTKS của cả nước (trừ năm 2009 tỷ số này cao hơn cả nước, với mức 111 bé trai/100 bé gái). Được biết, TSGTKS của Tiền Giang tăng liên tục trong 4 năm, từ năm 2010 đến năm 2013, sau vài năm can thiệp (2014 - 2016), TSGTKS có xu hướng không tăng. Tỷ số này cuối năm 2016 là 109,9 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, để TSGTKS giảm trong những năm tiếp theo, cần có thời gian; đồng thời cần tiếp tục tuyên truyền, can thiệp để làm giảm MCBGTKS.
Thông tin từ Chi cục DS-KHHGĐ, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS; nhấn mạnh vào nội dung tình trạng MCBGTKS, nguyên nhân, những hệ lụy, những quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ, giữa con trai và con gái, tích cực tham gia vào việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi.
Chi cục còn tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến, chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động trực tiếp về MCBGTKS đến các đối tượng tại cộng đồng, địa bàn cư trú thông qua mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ, nhân viên y tế và tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể ở cơ sở. Tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Tổ chức hội thảo, tập huấn cung cấp thông tin cho người cung cấp dịch vụ; tư vấn chuyên đề MCBGTKS và phổ biến, giáo dục pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền phổ biến, chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi cho vị thành niên, thanh niên.
Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ còn lồng ghép các nội dung truyền thông về MCBGTKS vào các hoạt động văn hóa, xã hội khác. Thực hiện đưa nội dung về MCBGTKS vào các trường học, nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản về giới, bình đẳng giới trong đời sống gia đình; tình trạng và hệ lụy của MCBGTKS vào chương trình học chính khóa của các môn học, đặc biệt là các môn Sinh học và Giáo dục công dân cho học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông; đồng thời, tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp, nhằm tăng cường thời lượng giáo dục giới và bình đẳng giới…
THỦY HÀ