Thứ Tư, 02/08/2017, 19:58 (GMT+7)
.
CÔNG TY TNHH MTV WONDO VINA:

Vì sao liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm?

Từ năm 2013 đến nay, Công ty TNHH MTV Wondo Vina (xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) đã để xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), không chỉ gây bức xúc cho công nhân mà còn là sự quan tâm của cả dư luận trong vấn đề quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể (BĂTT) của công ty này.

Các vụ NĐTP liên tiếp xảy ra ở Công ty TNHH MTV Wondo Vina đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân.
Các vụ NĐTP liên tiếp xảy ra ở Công ty TNHH MTV Wondo Vina đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân.

4 năm, 3 vụ ngộ độc thực phẩm

Nhiều người vẫn chưa quên vụ NĐTP xảy ra ở Công ty TNHH MTV Wondo Vina cách nay gần 4 năm (vào đầu tháng 10-2013), với 779 công nhân bị ngộ độc (không có trường hợp tử vong) sau bữa cơm trưa với canh bắp cải thảo, thịt viên nhồi trứng cút, cá nục chiên và bầu xào. Suất ăn này do Công ty TNHH Thương mại Hoa Lan (TP. Hồ Chí Minh) cung cấp. Công nhân bị ngộ độc đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Chợ Gạo rất đông làm cho bệnh viện quá tải. Trước tình hình đó, Bộ Y tế phải cử Đoàn công tác đến tỉnh Tiền Giang để cùng phối hợp tổ chức khắc phục hậu quả.

Sau khi điều tra, cơ quan chức năng kết luận ngộ độc do suất ăn bị nhiễm vi sinh vật. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã ra quyết định xử phạt BĂTT của công ty này 7,5 triệu đồng, đồng thời hướng dẫn các giải pháp khắc phục và phòng ngừa NĐTP. Đặc biệt là công ty đã thay đổi nhà cung cấp suất ăn bằng Công ty TNHH Bảy Thơ (TP. Hồ Chí Minh).

Dù vậy, NĐTP vẫn lại xảy ra ở công ty này. Cụ thể, năm 2015, công ty đã xảy ra vụ NĐTP tập thể, với 90 công nhân bị ngộ độc do Công ty TNHH Bảy Thơ cung cấp suất ăn. Nguyên nhân cũng do suất ăn bị nhiễm vi sinh vật. Cách khắc phục, xử lý cũng không khác gì vụ NĐTP lần trước; chỉ khác là số tiền phạt lần này đã tăng lên 25 triệu đồng.

Bất chấp số tiền phạt có tăng lên, NĐTP ở Công ty TNHH MTV Wondo Vina lại vẫn xảy ra. Đó là vụ NĐTP vừa mới xảy ra vào chiều ngày 26-7, với 186 công nhân bị ngộ độc. Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo (trước là Bệnh viện Đa khoa Chợ Gạo) lại trở nên quá tải. Trong đó, con số các trường hợp công nhân bị ngộ độc phải chuyển lên tuyến trên (Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh) lên đến 11 trường hợp. Điều đáng chú ý là suất ăn gây ngộ độc cho công nhân lần này vẫn là của Công ty TNHH Bảy Thơ cung cấp.

KHÔNG TUÂN THỦ QUY ĐỊNH ATTP

Sau khi xảy ra các vụ NĐTP trước, công nhân của công ty này rất bức xúc và phản ánh đến Công đoàn cơ sở của công ty, với nguyện vọng thay đổi nhà cung cấp suất ăn và tăng định giá khẩu phần ăn từ 13.000 đồng lên 15.000 đồng/suất (theo Nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Nguyện vọng này của công nhân đã được Công đoàn cơ sở công ty kiến nghị đến Ban Giám đốc công ty nhưng đều bị “phớt lờ”.

Qua điều tra, xử lý vụ NĐTP ở Công ty TNHH MTV Wondo Vina vào chiều ngày 26-7 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thanh Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, đơn vị cung cấp suất ăn và tại BĂTT của công ty có thực hiện các quy định về ATTP. Đoàn kiểm tra chưa phát hiện các vi phạm về đảm bảo ATTP tại BĂTT này. “Tuy nhiên, khi để xảy ra NĐTP thì chắc chắn rằng sẽ có những sai phạm ở khâu nào đó trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển và sử dụng thực phẩm. Đó có thể là do thức ăn đã bị nhiễm vi sinh hoặc hóa chất gây ra NĐTP và cần phải tìm ra nguyên nhân” - ông Nguyên nói.

Do đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã lấy mẫu và gửi đi kiểm nghiệm. Khi có kết quả kiểm nghiệm, tùy vào mức độ vi phạm sẽ xử lý theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Về hướng xử lý đối với BĂTT của Công ty TNHH MTV Wondo Vina, bác sĩ Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết thêm, khi tìm ra nguyên nhân, ngành Y tế sẽ có hướng xử lý và hướng dẫn cụ thể hơn; đồng thời phân công Phòng Y tế huyện Chợ Gạo thường xuyên kiểm tra, giám sát và sẽ quy định cho công ty một số việc phải kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng sẽ kiểm tra đột xuất công ty về việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP. Về nguyên nhân để xảy ra liên tiếp các vụ NĐTP ở công ty này trong thời gian qua, bác sĩ Trần Thanh Thảo cho rằng, công ty đã chưa tuân thủ tuyệt đối việc quản lý, theo dõi, kiểm tra những hướng dẫn và quy định về đảm bảo ATTP. Cụ thể, trong lần kiểm tra đột xuất về ATTP tại BĂTT của công ty vào đầu năm 2017, khi Đoàn kiểm tra đến thì các nhân viên nấu ăn, cả người trưởng và phó phụ trách bếp ăn đều không có mặt.

Đoàn đã chờ rất lâu họ mới có mặt và cho đoàn vào kiểm tra bếp ăn. Tại bếp ăn khi đó, nhân viên tham gia nấu ăn chỉ che khẩu trang ở miệng mà không che kín mũi. Đèn đuổi côn trùng chưa mở, một số đèn bị hư nên ruồi có nhiều tại các tủ thức ăn che bằng vải mùng (thay vì bọc lưới). Những hạn chế này của bếp ăn có nguy cơ cao gây mất an toàn về vệ sinh ATTP và Đoàn kiểm tra đã góp ý, khuyến cáo với lãnh đạo công ty. Theo nhận định của bác sĩ Trần Thanh Thảo, Công ty TNHH MTV Wondo Vina có quan tâm chấn chỉnh đến vấn đề ATTP, nhưng chỉ cần một thời điểm nào đó trong năm mà các khâu trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ thức ăn không bảo đảm thì khả năng xảy ra NĐTP là rất lớn.

Các vụ NĐTP liên tiếp xảy ra ở Công ty TNHH MTV Wondo Vina, với con số lên đến cả ngàn lượt công nhân bị ngộ độc, phải đưa đi cấp cứu ở các bệnh viện, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của bữa ăn, nhất là bữa ăn của công nhân. Những vụ NĐTP lớn xảy ra như ở công ty này không chỉ đang bào mòn sức khỏe công nhân mà còn là “kẻ sát nhân” thầm lặng gây nên tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật.

Do đó, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nên quy định tỷ lệ giá trị dinh dưỡng trong mỗi suất ăn, buộc chủ sử dụng lao động phải cung cấp suất ăn đúng khẩu phần. Ngoài ra, các ngành chức năng phải siết chặt việc quản lý. “Rút giấy phép kinh doanh và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng tất cả những nhà cung cấp suất ăn, thực phẩm không đạt yêu cầu để người dân tẩy chay. Đây là giải pháp mạnh, còn nếu phạt tiền như hiện nay thì có lẽ không có tính chất răn đe” - một lãnh đạo Bộ Y tế đã từng nhấn mạnh.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.