Thứ Tư, 09/08/2017, 10:52 (GMT+7)
.

Hãy cẩn trọng trước nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Kết quả khảo sát liên tục mật độ muỗi vằn và lăng quăng tại tỉnh Tiền Giang của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh  từ đầu năm đến nay đang tăng cao, đặc biệt là từ đầu mùa mưa đến thời điểm hiện tại.

Các chỉ số như chỉ số mật độ hoạt động  muỗi vằn (DI), chỉ số nhà có muỗi (HI), chỉ số Breteau (BI) là chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng muỗi Aedes, chỉ số nhà có lăng quăng (HILQ), chỉ số vật chứa có lăng quăng (CI) như sau:

Tháng

1

2

3

4

5

6

7

DI

0.55

0.54

0.53

0.61

0.59

0.81

0.84

9

HI

33.61

30.83

29.66

32.63

34.63

39.76

46.66

BI

49

48

47

50

51

67

74

HILQ

34.04

34.03

28

31.34

34.

39.37

43.33

CI

9.17

7.52

7.81

8.97

8.28

10.64

12

Qua khảo sát chúng ta thấy tất cả các chỉ số đều tăng cao, trong đó chỉ số BI (Breteau index) có vai trò quan trọng để xác định tình hình. Nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) có thể bùng phát, hiện tại chỉ số này là 74, cao hơn gấp đôi yếu tố nguy cơ. Nếu chỉ số mật độ hoạt động của muỗi vằn DI cao từ 0,5 con muỗi/nhà trở lên cũng sẽ là yếu tố có nguy cơ cao với khả năng bùng phát dịch bệnh, hiện tại chỉ số này tăng gần gấp đôi.

Từ kết quả trên, kết hợp với điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn tiếp tục sinh sản và phát triển, vì vậy khả năng bùng phát dịch SXH là hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện tại tổng số người mắc bệnh SXH ở Tiền Giang là trên 1.500 người, xuất hiện ở 11 huyện, thị, thành, tỉ lệ mắc/100.000 dân là 83,6.

So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH 7 tháng đầu năm tăng 23,7%, có 2/11 huyện có số mắc giảm. Số ca mắc/100.000 dân cao nhất là huyện Gò Công Đông 115,0, TP. Mỹ Tho 114,3. Số mắc ở trẻ em chiếm tỉ lệ 66,7%, cao nhất ở Tân Phú Đông, Châu Thành. Riêng TX. Cai Lậy có số mắc ở người lớn chiếm tỉ lệ 48,1%. Tỉ lệ độ nặng toàn tỉnh chiếm 2,3%, huyện Tân Phú Đông có tỉ lệ độ nặng cao nhất là 9,5%.

Để chống dịch SXH hiện nay là khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, lăng quăng và tránh muỗi đốt. Đối với các hộ gia đình, bà con mình cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không còn chỗ đẻ trứng; thả cá bảy màu vào lu, khạp, các hồ chứa để cá ăn lăng quăng; thay rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh như chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe cũ, chậu cây cảnh; vệ sinh môi trường sạch sẽ, lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, thay nước bình hoa…

Ngủ mùng (kể cả ban ngày), mặc quần áo dài tay và xua muỗi bằng thuốc xịt hoặc nhang xua muỗi. Đối với các khu công nghiệp và các công trình xây dựng, các chủ đầu tư phải chú ý dọn dẹp các vật dụng, thiết bị xây dựng, dụng cụ phế thải, các thùng chứa nguyên vật liệu để ngoài trời gây đọng nước; với các bể chứa nước không che đậy, cần tìm cách không cho muỗi đẻ trứng; Lắp đặt hệ thống lưới chống muỗi ở những nơi cần thiết tại các phân xưởng có công nhân sản xuất; thực hiện phun và xử lý ổ dịch.

Cộng đồng hãy cùng nhau hành động: Không vứt rác bừa bãi, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thu gom rác ở các bãi đất trống, khơi thông, san lấp những vũng nước đọng, không treo quần áo bên ngoài làm chỗ cho muỗi trú đậu.

Với khẩu hiệu “không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết” của ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết  năm 2017, chúng ta cần tập trung chủ yếu vào các biện pháp mỗi người tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình, góp phần cho cả cộng đồng cùng phòng chống sốt xuất huyết, thông qua hành động thiết thực là thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.