Kiểm tra, giám sát hoạt động Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm
Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh đã xây dựng Kế hoạch 221/KH-BCĐ ngày 11-8-2017 về kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố năm 2017.
Kiểm tra, giám sát hoạt động Ban Chỉ đạo huyện Cai Lậy. |
Theo Kế hoạch 221/KH-BCĐ, nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm: Quy chế hoạt động và kiện toàn Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố; việc thành lập các đoàn kiểm tra về đảm bảo ATTP ở cấp huyện; việc xây dựng kế hoạch hoạt động đảm bảo ATTP năm 2017; công tác quản lý Nhà nước về ATTP tại địa phương; công tác thông tin tuyên truyền; triển khai các văn bản pháp luật, hoạt động chuyên môn quản lý ATTP; công tác thanh tra, kiểm tra ATTP; việc quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt; công tác quản lý cơ sở trên địa bàn theo phân công từng ngành; tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; việc triển khai chuyên đề thi đua đảm bảo vệ sinh ATTP năm 2017; cùng những thuận lợi, khó khăn, giải pháp và đề xuất.
Thực hiện Kế hoạch 221/KH-BCĐ, ngày 23-8, Đoàn Kiểm tra của Sở Y tế do bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn, cùng đại diện các đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động Ban Chỉ đạo 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo huyện Cái Bè, trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Về công tác quản lý, ngành Y tế huyện đang quản lý 245 cơ sở dịch vụ ăn uống và 335 cơ sở thức ăn đường phố. Hầu hết các cơ sở đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Ngành Y tế huyện đã tiến hành kiểm tra 234 cơ sở dịch vụ ăn uống và 316 cơ sở thức ăn đường phố, trong đó phát hiện 31 cơ sở dịch vụ ăn uống và 36 cơ sở thức ăn đường phố không đạt về vệ sinh ATTP.
Ngành Công thương huyện quản lý 95 cơ sở và đã tiến hành kiểm tra 45 cơ sở, trong đó phát hiện 5 cơ sở vi phạm chủ yếu về hồ sơ khám sức khỏe hết hạn, chưa ký cam kết đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Qua kiểm tra các cơ sở giết mổ; cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngành Nông nghiệp huyện đã phát hiện và xử phạt các cơ sở vi phạm về vệ sinh ATTP, với tổng số tiền thu phạt gần 110 triệu đồng.
Còn theo đánh giá của Ban Chỉ đạo huyện Cai Lậy, trong 7 tháng đầu năm, tình hình ATTP trên địa bàn huyện được đảm bảo, không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Công tác quản lý, kiểm tra vệ sinh ATTP được thực hiện đầy đủ, thường xuyên, tạo được chuyển biến trong cộng đồng và nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ban Chỉ đạo huyện Cai Lậy cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý ATTP. Ban Chỉ đạo huyện và tuyến xã thường xuyên được kiện toàn khi có sự thay đổi thành viên để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác vệ sinh ATTP đạt hiệu quả…
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy cũng đang gặp những khó khăn, nhất là về công tác quản lý kinh doanh thức ăn đường phố. Do đặc thù của loại hình kinh doanh này là không có địa điểm, thời gian cố định nên việc đăng ký khám sức khỏe, tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP chưa đầy đủ và khó kiểm tra, giám sát. Ban Chỉ đạo tuyến xã có thành lập nhưng hoạt động chưa thường xuyên, vì chưa có kinh phí và cán bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm… Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 2 huyện cũng đề nghị tỉnh xem xét và phê duyệt kinh phí cho công tác đảm bảo vệ sinh ATTP năm 2017.
Thực hiện Kế hoạch 221/KH-BCĐ, các đoàn công tác do lãnh đạo Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn, cùng đại diện các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh hiện đang tiếp tục tiến hành việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố còn lại của tỉnh.
PHƯƠNG NGHI