Liên thông kết quả xét nghiệm vẫn còn khó khăn
38 bệnh viện Trung ương trên cả nước đã chính thức liên thông kết quả xét nghiệm từ ngày 1-8 vừa qua. Sau 3 tuần thực hiện, mặc dù chưa có thống kê chính xác, tuy nhiên, theo đại diện một số BV, các kết quả xét nghiệm liên thông không nhiều, đồng nghĩa việc giảm chi phí và thời gian cho người bệnh cũng chưa đạt hiệu quả.
Ảnh minh hoạ. |
Vừa qua, Bộ Y tế ban hành danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm gồm 3 nhóm: Huyết học, hóa sinh và vi sinh. Nhóm huyết học có 22 xét nghiệm có thể dùng lại, nhóm vi sinh có 26 xét nghiệm, nhóm hóa sinh có 17 xét nghiệm. Danh mục đều ghi rõ thời gian tối đa có thể dùng lại xét nghiệm từ 1-7 ngày. Có một số xét nghiệm, thời gian xét nghiệm còn hiệu lực để dùng lại tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh...
Việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương hiện nay sẽ là bước đệm tiến tới việc hồ sơ, dữ liệu, tình trang bệnh sử của bệnh nhân tại các cơ sở y tế được chuẩn hóa, đồng bộ và liên thông với nhau nhằm tạo thuận lợi trong quản lý sức khỏe của bệnh nhân.
Trao đổi với báo chí, ông Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết vì mới thực hiện chính sách liên thông kết quả xét nghiệm nên BV chưa có thống kê cụ thể, nhưng số xét nghiệm liên thông trong gần 1 tháng qua là rất ít.
Theo ông Hùng, căn cứ theo danh mục 65 loại xét nghiệm liên thông do Bộ Y tế quy định thì đây là những xét nghiệm ít bị thay đổi theo thời gian nhưng vẫn có thời gian bảo lưu nhất định. Đặc biệt, trong xét nghiệm, có đến hàng trăm chỉ số, trong đó có những chỉ số thay đổi ngay trong ngày nên các bác sĩ phải dựa vào tình trạng lâm sàng cụ thể của mỗi người bệnh để có thể đưa ra chỉ định phù hợp.
Chẳng hạn, kết quả xét nghiệm nhóm máu của người bệnh có giá trị lâu dài, nhưng khi người bệnh cần phải truyền máu, theo quy định an toàn truyền máu, BV vẫn phải chỉ định xét nghiệm lại nhóm máu nhằm tránh tuyệt đối những rủi ro không đáng có.
Giám đốc BV Việt Đức Trần Bình Giang cũng cho biết, chủ trương liên thông xét nghiệm là rất đúng. Từ trước đến nay, BV vẫn thực hiện trên tinh thần giảm tối đa chi phí cho người bệnh bằng cách những xét nghiệm nào có thể sử dụng được thì BV vẫn sử dụng, ví dụ như xét nghiệm nhóm máu, xét nghiệm HIV…
Ở khía cạnh khác, khi đề cập đến vấn đề liên thông xét nghiệm, câu chuyện đã từng được nhiều bác sĩ đề cập đến đó là các phòng xét nghiệm phải đạt một chuẩn chung.
Theo ông Trần Bình Giang, khi liên thông xét nghiệm thì các phòng xét nghiệm chuẩn hóa phải đảm bảo 2 tiêu chí nội kiểm và ngoại kiểm. Khi đó, các cơ sở y tế có thể dựa trên những yếu tố này để chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau, đồng thời sẽ không còn tình trạng chấp nhận kết quả dựa theo niềm tin.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, hiện Bộ Y tế đã xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học theo 5 mức: Rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và chưa xếp hạng. Các BV liên thông phải cùng mức điểm với nhau.
Hiện tại, cả nước mới có hơn 50 phòng xét nghiệm đã đạt ISO:15189 (tiêu chuẩn xét nghiệm quốc tế) liên thông các kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, phần lớn các BV vẫn đang trong quá trình nội kiểm (tự đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm trong nội bộ BV). Sau khi nộp các đánh giá nội kiểm, Bộ Y tế sẽ đánh giá ngoại kiểm độc lập các BV và xếp hạng chất lượng các phòng xét nghiệm.
Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh vẫn chưa thể khẳng định thời gian cụ thể nào sẽ công bố đánh giá ngoại kiểm các BV.
Theo lộ trình do Bộ Y tế đặt ra, đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các BV trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
(Theo chinhphu.vn)