Thứ Hai, 09/10/2017, 22:09 (GMT+7)
.

Đề xuất ba phương án điều chỉnh quy định mức sinh con

Ba phương án do Bộ Y tế đề xuất để sửa quy định mức sinh con hiện nay gồm: Mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con hoặc mỗi cặp vợ chồng sinh ít hơn 2 con hoặc mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số lần sinh con.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trung ương nhận định trong 25 năm qua, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, với trọng tâm là mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con, đã đạt những kết quả, thành tựu. Tuy nhiên mức sinh giữa các vùng còn có sự chênh lệch đáng kể. Nước ta cũng đang bước vào thời kỳ "già hóa dân số", đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già", bỏ lỡ cơ hội của "thời kỳ dân số vàng".

Ảnh: dantri.com.vn
Ảnh: dantri.com.vn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, Bộ đề xuất ba phương án trên để điều chỉnh mức sinh con.

Theo đó, phương án thứ nhất là duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt, tức là vận động mỗi cặp vợ chồng sinh hai con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt. Những địa phương đang sinh nhiều con (hơn ba con) thì vận động sinh ít hơn để có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn. Ngược lại những nơi tỉ lệ sinh thấp thì vận động nâng mức sinh lên, như khu vực Đông Nam Bộ có tổng tỉ suất sinh chỉ đạt 1,6-1,7 con/cặp vợ chồng.

Phương án thứ hai là tiếp tục chính sách sinh ít hơn hai con, với khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, nhằm giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số.

Phương án thứ ba là tùy mức sinh con của mỗi cặp vợ chồng, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí.

Cả ba phương pháp này, theo các chuyên gia dân số, đều có mặt ưu và nhược điểm. Riêng với phương án hai, khi sinh ít con, các gia đình có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn, giảm bớt chi cho an sinh xã hội, mật độ dân số tăng chậm hơn, rất có lợi cho Việt Nam là nước đông dân, mật độ dân số cao, đất đai ít.

Tuy nhiên, phương án này cũng có mặt trái, nếu duy trì mỗi cặp vợ chồng sinh ít hơn 2 con cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo sẽ kéo mức sinh giảm xuống thấp.

“Kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore cho thấy, khi mức sinh giảm xuống đến một ngưỡng nào đó thì rất khó tăng trở lại”, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ.

Lấy ví dụ về Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Tân cho biết, quốc gia này đạt mức sinh thay thế 2,1 con vào năm 1983, tuy nhiên do lo ngại mức sinh tăng, Hàn Quốc tiếp tục vận động chính sách sinh ít con. Đến năm 1996 tỉ lệ này xuống dưới 1,6 con. Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách, tuy nhiên mức sinh tiếp tục giảm sâu, năm 2005 xuống còn 1,08 con. Quốc gia này phải thành lập ủy ban của Tổng thống để ứng phó với mức sinh thấp, già hóa dân số, mỗi năm đầu tư hàng chục tỷ USD thực hiện rất nhiều chính sách khuyến khích sinh như sinh con được trợ cấp, mẹ được nghỉ hai năm để nuôi con mà không mất việc, chồng được nghỉ hai tuần khi vợ sinh con… Song mức sinh vẫn không tăng nhiều. Năm 2012 (năm Nhâm Thìn) – được coi là năm đẹp để sinh con thì mức sinh ở Hàn Quốc cũng chỉ tăng đến 1,28 con. Thậm chí, quốc gia này còn đưa ra chính sách tắt đèn vào cuối mỗi tuần nhưng mức sinh cũng không lên được. 

Với phương án thứ ba, lo ngại dân số sẽ tăng nhanh trở lại, mặc dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế 2,1 con trong hơn 10 năm qua.

“Nhiều nước thành công trong giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc nâng mức sinh. Khi người dân quen lối sống ít con, dành thời gian cho công việc, đối phó áp lực cuộc sống... thì việc khuyến khích sinh con sẽ rất khó”, ông Tân nói.

Trước đó, Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Tuy nhiên, pháp lệnh này khiến nhiều người dân hiểu sai là khuyến khích sinh nhiều con. Vì thế, mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ ba tăng nhanh trở lại. Năm 2009, quy định này được sửa lại thành "Mỗi cặp vợ chồng nên có 1 đến 2 con". Sau đó, do xu hướng giảm sinh tại một số khu vực, ngành dân số có thông điệp linh hoạt hơn khuyến khích "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh hai con".

Mức sinh thay thế được hiểu một cách nôm na, nếu mỗi người mẹ sinh được 2 con là đạt mức sinh thay thế, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng thì trong 2 con sẽ có 1 con gái để thay thế mẹ mình thực hiện chức năng sinh đẻ (tái sản xuất dân số). Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỉ suất chết trẻ em, tỉ lệ người độc thân, vô sinh… nên mức sinh thay thế thường là hơn 2 con. Tổng tỉ suất sinh trong khoảng 2,1 con được coi là mức sinh thay thế.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.