Thứ Ba, 31/10/2017, 11:46 (GMT+7)
.

Dị vật đường thở, mối nguy hiểm khôn lường

Ngày 28-10-2017, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đã tiếp nhận một ca tử vong rất đáng tiếc và thương tâm. Bệnh nhi là một bé trai, 11 tháng tuổi, cân nặng 9,5 kg, địa chỉ xã Kim Sơn, huyện Châu Thành nhập viện trong tình trạng cơ thể tím tái, ngưng tim, ngưng thở, đồng tử 2 bên dãn to, đo điện tâm đồ biểu hiện tình trạng đẳng điện. Bệnh nhi được xác định tử vong trước khi nhập viện, sau khi hỏi bệnh sử thì người nhà khai để bé nằm chơi, bên cạnh có vài cái bong bóng dự định sẽ thổi lên cho bé chơi, trong lúc để bé tự chơi đùa thì bé nuốt bong bóng. Khi phát hiện ra bé nuốt bong bóng, người nhà dùng tay để móc dị vật ra nhưng không được thì chuyển vào bệnh viện. Tại bệnh viện, dù được các nhân viên y tế cấp cứu tích cực, lấy dị vật ra khỏi đường khí quản của bệnh nhi nhưng do tình trạng quá nặng, bé đã tử vong.

Bong bóng được lấy ra khỏi đường thở của bệnh nhi.
Bong bóng được lấy ra khỏi đường thở của bệnh nhi.

CÁCH XỬ TRÍ KHI BỊ DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ

Trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng hay người lớn quen ngậm một số dụng cụ nhỏ khi làm việc… là những nguyên nhân thường gặp khiến cho dị vật rơi vào đường thở. Những biểu hiện khi bị dị vật rơi vào đường thở là nạn nhân đang ăn hoặc chơi tự nhiên bị ho sặc sụa, khó thở, tím tái, mắt trợn, vẻ mặt hoảng hốt, vã mồ hôi, thậm chí tiểu và đại tiện ra quần. Nếu dị vật vào thanh quản sẽ gây khó thở, khàn tiếng, ho, thở rít, bứt rứt, vật vã do đường thở bị nghẽn; rơi vào khí quản sẽ gây khó thở, thở rít từng cơn; rơi vào phế quản (thường là phế quản bên phải) gây khó thở, giống như viêm phế quản hay viêm phổi nên dễ chẩn đoán nhầm. Một số trường hợp dị vật quá lớn sẽ gây ngạt thở và tử vong tức thì.

Đừng cố móc lấy dị vật ra và dịch chuyển nó nếu chúng ta không thấy được nó rõ ràng vì khi đó có khả năng sẽ làm dị vật rơi vào sâu hơn.

Nếu nhìn thấy nạn nhân còn hồng hào, khóc được, la được, nói được, không khó thờ: nên đặt nạn nhân ở tư thế ngồi thở, giữ yên nạn nhân (đặc biệt là trẻ em), thường xuyên trấn an nạn nhân và đưa đến bệnh viện khẩn để khám và gắp dị vật ra, không áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực hay  thủ thuật Heimlich.

Nếu nạn nhân bị tím tái, khó thở nhiều, ngưng thở, không khóc hoặc khóc yếu, hôn mê thì nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật:

Nạn nhân là trẻ dưới 2 tuổi hoặc từ cân nặng từ 12kg trở xuống thì sử dụng phương pháp vỗ lưng - ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp thẳng trục trên cẳng tay trái, giữ đầu và cổ trước bằng bàn tay trái, dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 bả vai. Sau đó, chúng ta lật ngửa trẻ sang tay phải, quan sát nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng nửa dưới xương ức 5 cái. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng; luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ hồng hào trở lại, khóc được.

Người lớn và trẻ lớn sử dụng thủ thuật Heimlich. Đối với nạn nhân còn tỉnh: Đứng sau lưng nạn nhân, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng nạn nhân, nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn và tiến hành ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc nạn nhân khóc, la được. Đối với nạn nhân hôn mê: Để nạn nhân nằm ngửa, người làm thủ thuật quì xuống dạng 2 chân cạnh đùi nạn nhân. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ẩn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Lưu ý là nếu nạn nhân vẫn chưa hồi phục sau 6 - 10 lần quy trình trên, lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, tiếp tục lặp lại thủ thuật này trên đường đi, và cho dù chúng ta thực hiện thành công thủ thuật thì vẫn phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra những vấn đề khác

Nếu nạn nhân bị dị vật đường thở khi chỉ có một mình, còn tỉnh, để đẩy dị vật ra ngoài, nạn nhân hãy tự đẩy ép bụng bằng cách đứng tựa lưng vào tường phẳng. Sau đó, nạn nhân dùng một bàn tay nắm chặt, tì sát phần ngón cái và ngón trỏ vào vùng bụng phía trên, ngay dưới xương ức (lòng bàn tay úp xuống), lấy nắm tay còn lại đấm mạnh vào nắm tay trên bụng theo chiều từ trước ra sau và từ dưới lên trên từng cái một. Nếu dị vật vẫn chưa ra thì hãy dùng ghế dựa, áp phần bụng phía trên rốn lên bờ trên của tấm tựa lưng, sau đó dùng sức nặng của thân người gập xuống thành ghế tạo sức ép đẩy không khí từ trong ra, dị vật sẽ bị bắn ra.

PHÒNG NGỪA DỊ VẬT RƠI VÀO ĐƯỜNG THỞ

Trẻ thường bị sặc trong khi bú sữa, ăn bột hoặc uống thuốc, vì thế nên đặt trẻ trong tư thế ngồi khi cho bú và không được để trẻ nằm ôm bình bú một mình. Không được dỗ trẻ đang khóc bằng việc ấn bình sữa vào miệng, rất dễ gây sặc.

Không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng ngậm. Tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng và cách xa tầm hoạt động của trẻ những dị vật trên.

Không nên để cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như: kẹo, đậu phộng, hạt bí, hạt dưa… Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc hơn.

Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn hoặc cho uống thuốc, không để trẻ vừa ăn vừa chơi.

Cho trẻ ợ hơi sau mỗi cử bú, rồi đặt trẻ nằm đầu cao 300 và theo dõi tình trạng ọc, ói sau bú ít nhất 30 phút. Nếu trẻ ọc, hãy hạ thấp và nghiêng đầu trẻ qua 1 bên cho sữa chảy ra ngoài.

Khi bị dị vật chui vào đường thở không nên cố gắng dùng mẹo, dùng tay để móc ra hoặc vuốt xuôi khi trẻ hóc vì có thể làm dị vật chui sâu vào đường thở khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn.

Người lớn bị hóc dị vật, các bác sĩ ghi nhận họ thường bị hóc dị vật khi vừa ăn uống vừa giỡn, la lối trong lúc ăn, vừa ăn vừa làm việc, khi ăn lại nghĩ đến chuyện khác hoặc đối với người già, lớn tuổi hơn thì phản xạ nuốt, phản xạ hô hấp đôi khi bị rối loạn. Vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ để tránh bị hóc dị vật là nên tập trung khi ăn uống.

THS BS Đ QUANG THÀNH

.
.
.