Nhận diện 5 chứng viêm khớp phổ biến
Không chỉ ảnh hưởng về kinh tế, bệnh viêm khớp còn cản trở họ tập thể dục đầy đủ và làm giảm đáng kể chất lượng sống. Đó là lý do mọi người cần sớm nhận biết triệu chứng của 5 dạng viêm khớp phổ biến để kịp thời tham vấn ý kiến bác sĩ và có hướng điều trị hiệu quả.
Không nên phớt lờ những cơn đau khớp, vì có thể đó là dấu hiệu khởi phát của viêm khớp. Ảnh: iStock |
Bệnh viêm khớp không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà còn xảy ra với người trẻ hơn. Thống kê cho thấy, trong số các bệnh nhân, có 60% là người trong độ tuổi lao động (18-64), khiến họ giảm năng suất lao động.
Viêm khớp dạng thấp (RA)
Bệnh bắt nguồn từ tình trạng rối loạn miễn dịch, nghĩa là hệ miễn dịch tự tấn công các khớp xương hoặc các bộ phận ảnh hưởng đến khớp xương, lâu dần sẽ khiến các khớp bị tổn thương và viêm nhiễm, dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Triệu chứng: Cảm giác đau và cứng ở các khớp xương quan trọng như tay và chân, sưng phồng kéo dài hàng giờ kèm theo hiện tượng mệt mỏi, thèm ăn và sút cân hoặc cảm thấy các khớp bị nóng khi sờ vào. Ở một số người, cảm giác đau thường nghiêm trọng và có thể kéo dài cả ngày.
Viêm xương khớp (OA)
Đây là tình trạng gây ảnh hưởng tới toàn bộ khớp xương bao gồm xương, sụn, dây chằng và bắp thịt. Đây là dạng viêm khớp rất phổ biến, thường xuất hiện khi một khớp xương bắt đầu yếu và hao mòn do các nguyên nhân như lão hóa, chấn thương hoặc béo phì. Thông thường, người bệnh bị OA ở đầu gối, hông và bàn tay, lâu dần sẽ dẫn tới sự hao mòn của sụn xương.
Triệu chứng: Cứng khớp xương vào buổi sáng hoặc sau thời gian nghỉ ngơi lâu, đau nhức dữ dội khi đi lại, bẻ cong hoặc cầm nắm đồ vật, cảm thấy các khớp sưng và nóng. Do các triệu chứng chuyển biến xấu một cách chậm rãi, nên người bệnh có thể cảm nhận cơn đau đến và đi.
Bệnh gút
Dạng viêm khớp này hình thành khi lượng axít uric trong cơ thể gia tăng. Nam giới và những người béo phì là 2 đối tượng dễ bị gút nhất. Không giống như các loại viêm khớp khác, bệnh này thường xuất hiện trong một khoảng thời gian, sau đó thuyên giảm chừng vài tháng trước khi tái phát trở lại. Nhưng nếu người bệnh bị tái phát thường xuyên thì có lẽ bệnh tình của họ đã chuyển biến nặng hơn và trở thành viêm khớp gút.
Triệu chứng: Cảm giác đau dữ dội, đỏ, sưng và nóng quanh khớp. Bệnh ảnh hưởng nhiều nhất tại các vùng chịu áp lực nâng đỡ cơ thể như ngón chân cái, mắt cá chân hoặc đầu gối.
Viêm khớp tự phát thiếu niên (JA)
Chứng viêm khớp xuất hiện ở trẻ em dưới 16 tuổi này gây ra bởi một phản ứng tự miễn dịch mà các chuyên gia vẫn chưa lý giải được. Các loại JA khác nhau có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của trẻ hoặc các khu vực cụ thể, chẳng hạn như dây chằng.
Triệu chứng: Căng cứng, sưng và dễ gãy khớp xương, phát ban, đi khập khiễng, đỏ mắt và gặp các vấn đề về thị lực, dễ cáu gắt và sốt kéo dài.
Viêm khớp vảy nến
Là tình trạng viêm khớp có liên quan với bệnh vảy nến, thường xảy ra với 30% số bệnh nhân bị vảy nến. Lúc đầu, căn bệnh khiến da ửng đỏ, bong và tróc các lớp vảy màu trắng ở những vùng da bị viêm. Tình trạng viêm sau đó lan đến các khớp xương và cuối cùng là gây viêm khớp.
Triệu chứng: Sưng khớp (đặc biệt là ngón tay và ngón chân), móng tay bị đổi màu, sưng và đôi khi là đau lưng.
Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), dù mắc bất kỳ loại viêm khớp nào thì bệnh nhân cũng nên thực hiện một số thay đổi về lối sống để kiểm soát bệnh và duy trì cuộc sống khỏe mạnh. Theo đó, ngoài tìm kiếm các chương trình hỗ trợ điều trị bệnh, bệnh nhân cần tập thể dục điều độ (5 ngày/tuần), duy trì cân nặng lành mạnh, đến gặp bác sĩ thường xuyên để kiểm tra các triệu chứng và điều trị kịp thời.
(Theo bacantho.com.vn/Fox news)