Thứ Năm, 19/10/2017, 09:19 (GMT+7)
.

Phòng, chống sốt xuất huyết là trách nhiệm của mỗi người

Sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh xảy ra chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, do vi rút dengue gây ra, lây truyền từ muỗi, thường gặp nhất ở người. Tình hình dịch, bệnh SXH đang diễn biến hết sức phức tạp không chỉ trong phạm vi cả nước, mà trong cả khu vực ASEAN.

Ngành Y tế tổ chức giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại cơ sở nước uống đóng chai
Ngành Y tế tổ chức giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại cơ sở nước uống đóng chai

KHÔNG NÊN CHỦ QUAN

Vi rút dengue được xác định là thủ phạm gây nên bệnh SXH. Loại vi rút này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó mà thôi. Chính vì vậy, những người sống trong vùng lưu hành vi rút dengue có thể mắc bệnh SXH nhiều hơn một lần trong đời. Do đó, khi trong cơ thể không có sẵn kháng thể đối với chủng vi rút dengue vừa mắc, người nhiễm bệnh sẽ phát bệnh vào 1 tuần cho tới nửa tháng sau. Người nhiễm vi rút dengue có thể có triệu chứng lâm sàng khác nhau. Tùy từng cá thể, bệnh có thể chỉ biểu hiện như một hội chứng nhiễm vi rút không đặc hiệu hoặc bệnh lý xuất huyết trầm trọng và đưa đến tử vong.

Bệnh SXH dengue được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân ra 4 cấp độ của bệnh: Độ I: Giảm tiểu cầu kèm cô đặc máu nhưng không có chảy máu tự phát. Độ II: Giảm tiểu cầu và cô đặc máu kèm theo chảy máu tự phát. Độ III: Giảm tiểu cầu và cô đặc máu, huyết động không ổn định, như mạch lăn tăn, huyết áp kẹp (hiệu số huyết áp tâm thu - huyết áp tâm trương < 20 mm Hg), tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn. Độ IV: Giảm tiểu cầu và cô đặc máu, sốc biểu hiện rõ (bệnh nhân không có mạch ngoại biên, huyết áp = 0 mm Hg), nếu được điều trị thoát sốc thì bệnh nhân lành bệnh nhanh chóng và rất hiếm có di chứng.

Trong những năm gần đây, tình hình dịch, bệnh SXH trên thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Thống kê cho thấy, có 2,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ tại hơn 100 quốc gia, với số ca mắc SXH từ 50 triệu đến 100 triệu trường hợp mỗi năm, trong đó có 500.000 ca nhập viện, 20.000 ca tử vong. Gần 75% số ca bệnh là ở châu Á và khu vực Tây Thái Bình Dương, bệnh có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Nam Á. Cho đến nay, bệnh SXH vẫn là một thách thức trong lĩnh vực y tế công cộng đối với khu vực Tây Thái Bình Dương và phòng, chống SXH là trách nhiệm của tất cả mọi người.

Tại Việt Nam, dù đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống, song SXH vẫn là nguyên nhân làm khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 100 trường hợp mỗi năm. Dịch bệnh này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh, mà còn làm tổn thất về kinh tế. Tại Tiền Giang, đã trải qua những trận dịch lớn, gần đây (vào năm 2004 và năm 2007) có hơn 12.000 trường hợp mắc và 12 trường hợp tử vong. Bệnh rất nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin còn đang thử nghiệm, có thể gây ra biến chứng trên nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể gây ra tử vong nếu bệnh nặng, có biến chứng mà không được phát hiện, điều trị kịp thời. Một người có thể bị mắc nhiều lần trong đời và những lần sau nguy hiểm hơn những lần trước.

Tính đến ngày 1-10, toàn tỉnh có 2.509 ca mắc SXH, trong đó có 2 ca tử vong và số ca mắc SXH độ nặng tăng cao. Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, qua điều tra dịch tễ cho thấy, có cả 4 chủng vi rút dengue đang lưu hành trong tỉnh. Theo dự báo của ngành Y tế, năm 2017 là năm dự báo nguy cơ dịch bùng phát SXH do vào chu kỳ dịch, sự chuyển type Dengue, thời tiết thay đổi bất thường, di biến động dân cư, đặc biệt là thói quen trữ nước tại các vật chứa trong và xung quanh nhà...

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG

Tại Tiền Giang, các hoạt động phòng, chống dịch, bệnh SXH đã được tỉnh triển khai thực hiện nhiều năm, nhưng chưa thành công. Điều này được phản ánh qua số lượng gia tăng các ca SXH và sự lan tràn nhanh chóng về mặt địa lý của căn bệnh tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Các chuyên gia về Y tế dự phòng giải thích lý do phòng, chống SXH gặp khó khăn là trong tự nhiên và trong môi trường sống của con người luôn tồn tại môi trường sinh sản của muỗi. Để phòng, chống SXH hiệu quả, điều quan trọng là phải kiểm soát các loại muỗi truyền vi rút SXH. Để làm được điều đó, vấn đề chính là phải loại trừ được môi trường nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển mạnh trước khi trưởng thành.

Để chủ động phòng, chống dịch, bệnh SXH, BS CKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tỉnh đã tổ chức Chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2 trong toàn tỉnh, nhằm giảm đến mức thấp nhất các chỉ số muỗi và lăng quăng. Duy trì mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường, thị trấn trọng điểm về SXH với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng. Xử lý triệt để các ổ dịch SXH bằng cả 2 biện pháp diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, không để lây lan; đồng thời tiếp tục theo dõi sát các chỉ số véc tơ, diễn tiến của bệnh để can thiệp kịp thời, không để dịch bùng phát.

Ngành Y tế khuyến cáo: Để diệt muỗi, mỗi nhà có thể sử dụng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi thường xuyên hằng ngày hoặc hằng tuần; dọn dẹp quần áo không cho muỗi trú đậu; ngủ mùng (kể cả ban ngày), mặc áo quần dài, hoặc thoa thuốc tránh muỗi đốt. Để diệt lăng quăng, mỗi người dân phải tự giác súc rửa vật dụng chứa nước và thay nước hằng tuần, nhất là thời điểm mùa mưa. Đậy kín các lu, khạp chứa nước, dọn dẹp hoặc lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa (như ly, chén bể, miểng dừa, vỏ xe, chậu nước…) không để cho muỗi vào đẻ trứng, hoặc nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng. Đối với trẻ em, khi thấy trẻ sốt bất thường, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi, tư vấn cách chăm sóc tại nhà, cũng như phát hiện những dấu hiệu nặng của bệnh SXH thì cần nhập viện điều trị kịp thời.

THỦY HÀ

.
.
.