Thứ Năm, 09/11/2017, 10:21 (GMT+7)
.

Lựa chọn giới tính thai nhi là vi phạm pháp luật

Con trai hay con gái đều đáng quý như nhau.
Con trai hay con gái đều đáng quý như nhau.

Chính phủ quy định lựa chọn giới tính thai nhi (GTTN) là hành vi vi phạm pháp luật về dân số và trẻ em, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng lách luật đối với vấn đề này vẫn đang phổ biến và việc bắt quả tang, xử lý người vi phạm không hề đơn giản.

CẤM LỰA CHỌN GTTN

Lựa chọn GTTN để sinh con theo ý muốn là việc làm bị pháp luật hiện hành của nước ta nghiêm cấm. Cụ thể, Điều 10, Nghị định 104 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số (về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn GTTN) bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo GTTN dưới các hình thức: Tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh ảnh, ghi hình, ghi âm, tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo GTTN. Chẩn đoán để lựa chọn GTTN bằng các biện pháp: Xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen  nước ối, tế bào; siêu âm…  Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Điều 9 của Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em. Trong đó quy định cụ thể về xử phạt các hành vi lựa chọn GTTN: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bắt mạch, xác định qua triệu chứng, bói toán hoặc bằng các hình thức khác không được pháp luật cho phép để xác định GTTN mà các hành vi có tính trục lợi; nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi âm, ghi hình các hình thức khác để tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo GTTN. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với các hành vi: Siêu âm, xét nghiệm máu, nước ối, tế bào hoặc các biện pháp để xác định GTTN; cung cấp hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; nghiên cứu hoặc áp dụng phương pháp nhân tạo để tạo GTTN theo mong muốn; tàng trữ, lưu hành các tài liệu, phương tiện chứa đựng nội dung về phương pháp tạo GTTN. Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

CẤM VẪN LÀM

Mặc dù pháp luật cấm công bố giới tính trước khi sinh, nhưng sau gần 11 năm có hiệu lực, việc thực hiện hầu như còn bỏ ngỏ, đặc biệt là tại các cơ sở y tế ngoài công lập.

Hiện nay, để biết được GTTN rất đơn giản. Khi thai nhi 12 đến 15 tuần, sản phụ chỉ cần đến phòng khám siêu âm sản khoa tư nhân kiểm tra là biết ngay. Điều này giúp các cặp vợ chồng thuận lợi hơn trong việc chọn tên, chuẩn bị đồ dùng cho bé khi chào đời. Tuy nhiên, một số trường hợp lợi dụng tiến bộ của y học để loại bỏ thai nhi có giới tính không như mong muốn. Và tất nhiên là không ai thừa nhận bỏ thai do GTTN, mà cho rằng bị vỡ kế hoạch. Trong khi đó, việc bỏ thai do vỡ kế hoạch được pháp luật cho phép.
Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang và Trung tâm Sức khỏe sinh sản Tiền Giang là 2 cơ sở y tế về sản khoa quy mô lớn ở tỉnh ta hiện nay. Đến đây, chúng ta không khó khăn gì để tìm ra một bệnh án phá thai.

Nguyên nhân dẫn đến phá thai thì bệnh án chỉ ghi gọn một câu: “Chưa đủ điều kiện sinh con”. Báo cáo của ngành Y tế cho kết quả mỗi năm toàn tỉnh có hơn ngàn ca nạo phá thai. Tuy nhiên, những ca thống kê được hầu như chỉ ghi nhận được tại cơ sở y tế công lập, chỉ là bề nổi. Trên thực tế, số ca nạo phá thai cao hơn rất nhiều và phần lớn thực hiện bằng thuốc uống tại các phòng khám tư nhân. Đâu ai dám chắc rằng, trong số những ca đó không có trường hợp bỏ thai vì lý do lựa chọn giới tính.

Bên cạnh siêu âm lựa chọn GTTN, thì việc chủ động lựa chọn GTTN cũng đang được thực hiện. Không ít người đến các phòng khám sản khoa tư nhân để siêu âm canh ngày trứng rụng nhằm sinh được con trai hay gái theo ý muốn.

Dù luật pháp nghiêm cấm lựa chọn GTTN nhưng việc thực hiện trong thực tế còn một khoảng cách. Tình trạng lách luật vẫn diễn ra hằng ngày nên sau hơn 10 năm Nghị định 114 của Chính phủ vẫn chưa hề có trường hợp vi phạm nào bị phát hiện, xử lý?

Chính việc lựa chọn GTTN, chủ động sinh con theo ý muốn bằng can thiệp y khoa là một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, sẽ mang đến nhiều hệ lụy lớn trong tương lai.

THỦY HÀ

.
.
Liên kết hữu ích
.