Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo phân tích của các chuyên gia về dân số, tình trạng trọng nam khinh nữ là một trong những nguyên nhân chính đưa đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) đã đưa ra những mục tiêu quan trọng với những chỉ tiêu cụ thể thực hiện bình quyền nam nữ.
Quan tâm chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái để xóa bỏ dần tâm lý trọng nam, hướng tới giảm thiểu MCBGTKS. |
Tại Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức vừa ký phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về BĐG trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2020 (gọi tắt là Kế hoạch). Theo đó, mục tiêu tổng quát về BĐG là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện BĐG; giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, địa phương có bất BĐG hoặc có nguy cơ bất BĐG cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2020. Xây dựng và tổ chức thực hiện đạt được các mục tiêu về công tác BĐG đến năm 2020, về cơ bản đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Chương trình hành động này đề ra mục tiêu phấn đấu có 80% công chức, viên chức, người lao động, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, sinh viên, học sinh và 60% người dân ở các cụm dân cư được truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG. Phấn đấu có 80% cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ, cán bộ hoạch định các cấp, đội ngũ cộng tác viên về BĐG được tập huấn cập nhật kiến thức BĐG. Phấn đấu có 100% nữ đại biểu dân cử, nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý và nữ cán bộ trong diện quy hoạch được trang bị kiến thức về BĐG và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; 100% người có nhu cầu hỗ trợ về BĐG được tiếp cận ít nhất một dịch vụ tư vấn, hỗ trợ…
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, sẽ nâng cao năng lực truyền thông về BĐG cho các cơ quan truyền thông; tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng trên các địa bàn dân cư; tổ chức các chiến dịch truyền thông thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia thúc đẩy BĐG, chia sẻ trách nhiệm gia đình, xóa bỏ bất BĐG trong cộng đồng và xã hội.
Đặc biệt, tỉnh vừa tổ chức phát động “Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” (gọi tắt là Tháng hành động) năm 2017, với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Ngoài hoạt động truyền thông, trong Tháng hành động, các cấp đã biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu dân cử, nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch. Tiến hành khảo sát, đánh giá định kỳ về tình hình đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ tỉnh đến xã; kiến nghị kịp thời các biện pháp, chính sách có liên quan đến công tác đào tạo nguồn, quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ. Khuyến khích tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy BĐG trong những lĩnh vực có nguy cơ bất BĐG. Chẳng hạn như mô hình CLB “Nữ công nhân nhà trọ” tại các khu, cụm công nghiệp; mô hình “Vận hành các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện BĐG” tại doanh nghiệp…
Khi trong xã hội đạt được mức cơ bản về bình đẳng nam nữ, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái được nâng lên sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tâm lý thích sinh con trai trong cộng đồng, từ đó sẽ kéo giảm tình trạng MCBGTKS.
MAI HÀ