Bạo hành trẻ em và quan niệm đòn roi
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ em khiến nhiều người phẫn nộ.
Đó là vụ việc hàng chục con em công nhân liên tục bị đánh đập, hành hạ tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (TP.Hồ Chí Minh); vụ người giúp việc đánh đập tàn nhẫn em bé hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam; vụ bé gái 7 tuổi ở Kiên Giang bị nhiều vết bỏng nghi do bị gí thanh sắt nung đỏ. Thương tâm hơn nữa là vụ bé trai 6 tuổi ở TP.Hồ Chí Minh bị bảo vệ tổ dân phố nghi tâm thần cắt cổ và vụ bé gái 20 ngày tử vong ở Thanh Hóa.
Ảnh minh họa: IE |
Nhưng điều đáng buồn nhất, không phải đến thời điểm này, tình trạng bạo hành trẻ mới trầm trọng. Theo thống kê từ Bộ LĐTB&XH, trung bình mỗi năm có 3.000-4.000 vụ bạo lực với trẻ em được phát hiện, trong đó có khoảng 1.000 vụ trẻ em bị hiếp dâm, khoảng 100 vụ trẻ em bị giết hại.
Cùng lúc, đường dây điện thoại hỗ trợ trẻ em - đường dây nóng 111 - trung bình mỗi tháng nhận được khoảng 200 cuộc gọi liên quan đến bạo lực trẻ em.
Tình hình “nóng” đến mức các vụ bạo hành trẻ em đã được đặt lên bàn nghị sự của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ vừa diễn ra.
Tại phiên họp ngày 1/12, Chính phủ đã yêu cầu ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em với các giải pháp như phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, đồng thời cả xã hội phải vào cuộc, cơ sở giáo dục, cơ quan chức năng, gia đình, báo chí cùng kiểm tra, giám sát, thực hiện.
Đặc biệt, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng cùng với việc xử lý nghiêm các vụ việc, thì cần có giải pháp căn cơ, gốc rễ cho tình trạng bạo hành trẻ mầm non, như phải xây dựng hệ thống các trường mầm non công lập hiện rất thiếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đó hạn chế các trường hợp gửi trẻ tại các cơ sở không đạt yêu cầu. Cùng với đó là vấn đề đạo đức, hành xử của các giáo viên mầm non…
Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em vừa qua.
Thế nhưng bên cạnh những giải pháp từ phía chính quyền, nhiều ý kiến cho rằng còn phải thay đổi cả quan niệm lâu nay của nhiều người Việt Nam, đó là quan điểm cho rằng việc sử dụng đòn roi với trẻ là đương nhiên và thậm chí có ích cho trẻ. Trong nhiều cuộc hội thảo, nhiều người vẫn một mực cho rằng việc đánh mắng trẻ trong gia đình là một phần của “văn hóa” người Việt, bởi “thương cho roi cho vọt – ghét cho ngọt cho bùi”.
Cũng chính quan niệm còn đang gây tranh cãi này khiến xã hội thường dễ dàng “chấp nhận” việc người lớn dùng đòn roi với các em. Tất nhiên mục đích dạy dỗ là rất khác so với mục đích của những kẻ bạo hành, nhưng với chính trẻ em, thì ranh giới giữa việc bạo hành với việc dậy dỗ trong nhiều trường hợp là rất mong manh. Chỉ khi sự việc trở nên trầm trọng, cộng đồng và các cơ quan chức năng can thiệp thì các em đã phải chịu sự bạo hành cả về thể xác, tinh thần.
Một khảo sát nhóm trẻ từ 2-14 tuổi cho thấy có 74% trẻ từng bị cha mẹ, người chăm sóc trừng phạt bằng bạo lực; 24% phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết chồng họ có hành vi bạo lực với con cái. Trong khi, luật pháp Việt Nam không có quy định nào cho phép cha mẹ được đánh con, luật pháp cũng nghiêm cấm các hành vi bạo lực gia đình.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004) và Luật Trẻ em (2016) cũng được ban hành cùng các văn bản hướng dẫn nhưng tình trạng bạo hành trẻ vẫn rất nhức nhối.
Từ một khía cạnh nào đó, chính quan niệm lạc hậu coi việc sử dụng đòn roi là cách dạy trẻ là một nguyên nhân khiến những văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách rất khó khăn để đi vào cuộc sống. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc dùng đòn roi hay các hình thức trừng phạt thân thể đối với trẻ em không hề làm thay đổi hành vi của trẻ một cách tốt hơn.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, không bảo vệ được mình. Để có thể hạn chế bạo hành, xâm hại trẻ, chỉ có nỗ lực từ phía nhà nước là không đủ, hơn ai hết từ chính cộng đồng và mỗi người cần thay đổi cách hành xử với trẻ, loại bỏ những tư tưởng không còn phù hợp, biết lắng nghe trẻ, cùng lên tiếng bảo vệ trẻ...
(Theo chinhphu.vn)