Kiểm soát nhiễm khuẩn – Nhìn từ người trong cuộc
Sau vụ việc buồn xảy ra tại bệnh viện (BV) Sản Nhi Bắc Ninh cuối tháng 11 vừa qua, đòi hỏi các cơ sở y tế phải có quy trình nghiêm ngặt và thực hiện đúng quy định về chống nhiễm khuẩn, đồng thời cần đầu tư cho công tác này và chú trọng đào tạo nhân lực.
Trẻ điều trị tại BV Bạch Mai đã được xuất viện. Ảnh: VGP/Mai Thanh |
2 trẻ chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh lên Bạch Mai được xuất viện
Hôm nay (1/12), 2 trong số 3 trẻ sinh non được chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh lên BV Bạch Mai điều trị, đã được xuất viện. Một trẻ nặng nhất cũng đã được cai máy thở, sức khỏe đang dần ổn định. Cùng ngày, 6/100 trẻ điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng đã được xuất viện.
Theo Ths.BS. Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa Nhi (BV Bạch Mai), 2 trẻ được xuất viện hôm nay đã tự bú được 30-40 ml/lần, các chỉ số nhiễm khuẩn không còn, sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Đối với trẻ mắc bệnh nặng nhất, BS.Lê Thị Lan Anh, Phó Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) - người trực tiếp theo dõi và điều trị, chia sẻ, từ lúc nhập viện, cháu phải hỗ trợ thở máy hoàn toàn, gần như không ăn được, tình trạng nhiễm trùng rất nặng. Thậm chí, trong quá trình điều trị, có lúc sức khỏe của cháu diễn biến rất xấu. Tuy nhiên, với phác đồ điều trị tích cực, sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên gia trong BV, hiện tại, sức khỏe của cháu dần hồi phục.
“Cháu đã cai được máy thở, ăn tốt hơn và tình trạng nhiễm khuẩn đã kiểm soát được một phần, dù cháu vẫn cần phải theo dõi sát sao. Nếu tiến triển tốt, chỉ ít ngày nữa, cháu sẽ được ra khỏi phòng cách ly”, BS Lan Anh nói.
Trước đó, cả 3 trẻ được chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh lên BV Bạch Mai trong tình trạng đẻ non, suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng nặng. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã cho thở oxy, chiếu đèn, kháng sinh, hỗ trợ chăm sóc trong phòng cách ly đặc biệt.
Đây là 3 trong số 20 trẻ được chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh lên BV Bạch Mai, BV Phụ sản Trung ương và BV Nhi TƯ điều trị, sau vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong hôm 20/11 tại BV Sản nhi Bắc Ninh, do sốc nhiễm khuẩn.
Khoa sơ sinh của BV Sản nhi Bắc Ninh cũng đã tạm dừng hoạt động để tổng kiểm soát nhiễm khuẩn, khử khuẩn toàn bộ khu vực này.
Theo ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhiễm khuẩn BV như sử dụng kháng sinh không theo đơn; một số cơ sở y tế chưa làm tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, do thiếu nguồn lực, thiếu trang thiết bị; cơ sở y tế xuống cấp hoặc quá tải BV…
Bên cạnh đó, một bộ phận người bệnh chưa ý thức về các bệnh nguy hiểm, bệnh cần phải cách ly.
Kiểm soát nhiễm khuẩn BV bị bỏ ngỏ?
Là BV hạng II, trực thuộc tỉnh và mới thành lập (từ năm 2015), quy mô 500 giường, BV Sản nhi Bắc Ninh được đánh giá là cơ sở y tế chuyên khoa tốt trên địa bàn và khu vực lân cận, khi mỗi ngày tiếp nhận trên 700 bệnh nhân khám và điều trị. Đặc biệt, BV đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho hơn 1.000 trẻ sinh non sơ sinh, thậm chí nuôi sống trẻ 700 gram.
Tuy nhiên, sự việc đáng buồn xảy ra hôm 20/11 vừa rồi là một bài học “đắt giá” đối với BV, đồng thời cũng là bài học trong công tác nhiễm khuẩn BV tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Các cơ sở y tế phải có quy trình sử dụng nghiêm ngặt và thực hiện đúng quy định về chống nhiễm khuẩn của Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nhiễm khuẩn BV, ngành y tế đã thiết lập hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 91% BV đã thành lập Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, 85% BV có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn, 80% BV trên 150 giường có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các BV hiện mới tập trung vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải, chưa chú trọng vào công tác giám sát nhiễm khuẩn BV, nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm cho người bệnh.
Đặc biệt, nhân lực trong công tác chống nhiễm khuẩn BV còn hạn chế về số lượng và chuyên môn, khi có tới 36% lãnh đạo khoa nhiễm khuẩn BV chưa được đào tạo về nhiễm khuẩn BV, chủ yếu là ở BV huyện, khu vực miền núi; gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn BV chưa được đào tạo cơ bản về vấn đề này.
Mặt khác, đến nay, vẫn chưa có chương trình đào tạo nhiễm khuẩn BV, cũng chưa có giáo trình quốc gia chuẩn về lĩnh vực này tại các cơ sở giáo dục về ngành Y. Đặc biệt, chưa có hệ thống giám sát nhiễm khuẩn BV quốc gia, chưa xây dựng các tiêu chí cần giám sát, công cụ và phần mềm giám sát.
Là tuyến cuối điều trị nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên đòi hỏi cao về công tác chống nhiễm khuẩn BV, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ chia sẻ, BV có labo tham chiếu quốc tế nên có thể xác định mầm bệnh nhanh, từ đó tìm loại thuốc phù hợp để điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế tối đa nguồn lây sang cộng đồng.
BV cũng thực hiện nghiêm quy định chống nhiễm khuẩn BV của Bộ Y tế, quy định nhân viên phải tắm trước khi về, trang bị khẩu trang, mũ áo đầy đủ, vào phòng bệnh phải thay dép.
Để hạn chế người nhà bệnh nhân vào BV, BV lắp camera, sử dụng thẻ quẹt vào cầu thang máy, khử khuẩn cầu thang 3h/lần, quan trắc vi khuẩn hàng tháng…
Ông Kính cũng chia sẻ, mặc dù thực hiện quy định kiểm soát nhiễm khuẩn BV một cách bài bản, nhưng việc phòng chống nhiễm khuẩn BV vẫn đầy thách thức, đặc biệt là BV tuyến TƯ – là nơi tiếp nhận các bệnh nhân nặng.
Vì vậy, để hạn chế nhiễm khuẩn BV, đòi hỏi các cơ sở y tế phải có quy trình sử dụng nghiêm ngặt và thực hiện đúng quy định về chống nhiễm khuẩn của Bộ Y tế. Các BV cũng cần đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn và chú trọng đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm ngặt quy định bán kháng sinh theo đơn, sử dụng kháng sinh đúng, an toàn, hiệu quả.
(Theo chinhphu.vn)