Thứ Bảy, 09/12/2017, 22:33 (GMT+7)
.

Ngành y tế Tiền Giang đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công nghệ là một phần quan trọng trong các hoạt động của ngành Y tế tỉnh Tiền Giang. Hội nghị Khoa học kỹ thuật (KHKT) ngành Y tế tỉnh Tiền Giang là dịp để công bố những kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến, những kinh nghiệm của các thầy thuốc; đồng thời cũng là cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập và chia sẻ những kết quả giữa các đồng nghiệp trong, ngoài tỉnh. Những thành quả từ công tác nghiên cứu khoa học giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao kiến thức, phổ biến kinh nghiệm, áp dụng có hiệu quả những thành tựu KHKT để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác quản lý, chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện hiệu quả điều trị và phòng bệnh, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tặng hoa và cấp Giấy chứng nhận cho các nhà tài trợ.
Tặng hoa và cấp Giấy chứng nhận cho các nhà tài trợ.

Trước năm 2014, hội nghị KHKT ngành Y tế tỉnh Tiền Giang được tổ chức 2 năm/lần và từ 2015 đến nay đã được tổ chức thường niên, nhằm khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công nghệ cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế. Số lượng các đề tài cũng tăng dần theo từng năm, cụ thể: Năm 2015 có 113 đề tài nghiên cứu, trong đó có 26 công trình nghiên cứu tiêu biểu được chọn báo cáo tại hội nghị; năm 2016 có 194 đề tài nghiên cứu, trong đó có 31 công trình được chọn báo cáo tại hội nghị; năm 2017 có 144 đề tài nghiên cứu, trong đó có 30 công trình được chọn báo cáo tại hội nghị. Các đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến được nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn hay ứng dụng từ những thành tựu y học trong nước và quốc tế, thuộc rất nhiều lĩnh vực như quản lý, y tế công cộng, dược, điều dưỡng, khám, chữa bệnh… Hội nghị KHKT ngành Y tế tỉnh Tiền Giang còn nhận được sự quan tâm và tham gia của đồng nghiệp từ các tỉnh, thành gần xa: Nghệ An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh...

Qua các năm, chất lượng nghiên cứu được nâng lên, nhiều đề tài đã được tuyển chọn để đăng ký tham gia những nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh, được nghiệm thu, được đánh giá rất cao về giá trị và đã đưa vào ứng dụng đạt hiệu quả cao. Điển hình như các đề tài: “Ứng dụng Chiến lược xử trí hen toàn cầu (GINA) để điều trị và quản lý suyễn tại tỉnh Tiền Giang”, “Xây dựng và triển khai các mô hình can thiệp về y tế nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, “Tỷ lệ nhiễm HPV của phụ nữ TP. Mỹ Tho và các yếu tố liên quan”, “Mối liên quan giữa nồng độ enzyme Myeloperoxidase huyết tương với bề dày lớp nội trung mạc động mạch cảnh và một số yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường type 2”, “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đo dẫn truyền thần kinh và ghi điện cơ kim trong chẩn đoán bệnh thần kinh cơ ở bệnh nhân hồi sức”, “Nghiên cứu xây dựng mô hình can thiệp nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và quản lý bệnh nhân viêm gan B mạn tại Tiền Giang”, “Đánh giá kết quả điều trị đái tháo đường type 2 bằng metformin và vildagliptin”, “Xây dựng mô hình khám, chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế tại trạm y tế và phòng khám đa khoa theo hướng bác sĩ gia đình”…

Báo cáo viên trình bày tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang năm 2017.
Báo cáo viên trình bày tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang năm 2017.

Ngoài hội nghị KHKT ngành Y tế tỉnh Tiền Giang được tổ chức thường niên, trong năm, ngành Y tế còn tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học và hội nghị chuyên đề để các thầy thuốc của các địa phương gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó cập nhật, phổ biến các kiến thức mới, các quan niệm mới trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị các loại bệnh lý trong y học. Đặc biệt, giữa tháng 11-2017, ngành Y tế Tiền Giang đã phối hợp các hội quốc tế và Trung ương tổ chức Hội nghị Thần kinh toàn quốc lần thứ 20. Có rất nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thần kinh, đột quỵ trong toàn quốc, quốc tế tham dự và báo cáo tại hội nghị như: GS-TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam; PGS-TS Nguyễn Chương, Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam; GS Natan M Bornstein, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Thế giới; GS Pierre Jallon, Hội Động kinh Thế giới… Hội nghị đã tiến hành trong cả ngày để chia sẻ các bệnh lý về thần kinh và bệnh lý mạch máu não nói chung, cụ thể như bệnh lý đột quỵ, sa sút trí tuệ, động kinh, đau đầu, chóng mặt, rối loạn vận động và bệnh lý thần kinh khác có xu hướng đang gia tăng nhanh trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, với những biến chứng phức tạp, để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh, gây tốn kém cho việc chăm sóc và điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng và chất lượng cuộc sống người bệnh.

Ngành Y tế Tiền Giang sẽ tiếp tục khuyến khích các cán bộ, công chức, viên chức đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến vào các hoạt động công tác hằng ngày, để vừa nâng cao năng lực chuyên môn, vừa là điều kiện xem xét thi đua cá nhân; đồng thời giúp tháo gỡ những khó khăn, thách thức của đơn vị trong quá trình hoạt động, góp phần vào sự hoàn thành nhiệm vụ và phát triển của đơn vị mình.

BS CKII TRẦN THANH THẢO

.
.
.