Thứ Tư, 03/01/2018, 22:07 (GMT+7)
.

Cẩn thận với bệnh sốt xuất huyết

Ngày 28-12-2017, cháu Cao Thị Gia M., 14 tuổi, nhà ở xã Mỹ Tân (huyện Cái Bè) được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh vì đau bụng, ói và tay chân lạnh. Ba cháu cho biết, cháu bị sốt cao liên tục 5 ngày, uống thuốc không giảm, sáng nay tự nhiên cháu hết sốt mà kêu đau bụng, rồi ói nhiều, nên gia đình vội đưa vào bệnh viện.

Sau khi khám, bác sĩ cho ba cháu biết cháu đang bị bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue nặng, phải cấp cứu tích cực mới mong qua khỏi. Sau 1 ngày truyền dịch, cháu khỏe hơn, tiểu được nhiều và hết đau bụng.

Thông thường, thời gian gần tết, hết mưa thì bệnh SXH có xu hướng giảm nhiều. Tuy nhiên, gần đây, sau những cơn bão muộn, nhiều dịch, bệnh phát sinh (nhiễm khuẩn đường ruột, viêm hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh SXH...).

Có 2 lý do làm bệnh SXH gia tăng: Một là, sau bão có mưa nhiều, muỗi vằn sẽ có cơ hội đẻ trứng và phát triển. Hai là, dù nhiệt độ có giảm, nhưng ở Nam bộ nhiệt độ thường trên 200C - là nhiệt độ lý tưởng để muỗi phát triển (nhiệt độ lý tưởng để muỗi phát triển từ 200 C đến 250 C); chỉ khi nhiệt độ dưới 160C thì muỗi vằn mới ngưng hoạt động và ngưng đẻ trứng.

Ở Tiền Giang, tính đến cuối tháng 12-2017, toàn tỉnh có 3.071 ca mắc bệnh SXH, nhiều hơn năm ngoái 35%, trong đó có 64 ca nặng, 3 ca tử vong. Bệnh xảy ra nhiều ở huyện Cái Bè, huyện Châu Thành và TP.  Mỹ Tho.

Về chuyên môn, bệnh SXH gây ra do muỗi vằn truyền vi rút SXH sang người lành - là con đường duy nhất truyền bệnh SXH. Muỗi vằn cái hoạt động suốt ngày, nhưng thường hoạt động tích cực vào sáng sớm và chiều tối, khi không khí vừa mát mẻ vừa ấm áp, độ ẩm thích hợp và chỉ đậu nghỉ khi đã no máu hoặc vào ban đêm.

Sau khi bị muỗi vằn đốt từ 3 - 6 ngày, có thể kéo dài đến 15 ngày thì xuất hiện triệu chứng bệnh SXH. Nếu người bệnh đã ít nhất 1 lần nhiễm vi rút SXH trước đó hoặc do mẹ truyền kháng thể cho con lúc mang thai thì sẽ mắc bệnh SXH dengue. Khi đó, vi rút dengue xâm nhập lần sau sẽ kết hợp với kháng thể có sẵn tạo thành phức hợp kháng nguyên kháng thể, được gọi là phức hợp miễn dịch.

Phức hợp này sẽ hoạt hóa bổ thể - một trong những hệ thống bảo vệ của cơ thể - dẫn đến hậu quả làm tăng tính thấm thành mạch, gây ra tình trạng thất thoát huyết tương, giảm thể tích máu, sau đó hạ huyết áp dẫn đến sốc giảm thể tích.

Ngoài ra, phản ứng miễn dịch còn phá hủy hệ thống cầm máu, do giải phóng các yếu tố đông máu, tổn thương tế bào gan, tổn thương thành mạch và giảm tiểu cầu gây ra xuất huyết, nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng bệnh SXH, bà con cần khẩn trương đậy kín, cọ rửa hoặc thay nước các chum, lu, vại… chứa nước, không để cho muỗi có nơi đẻ trứng. Tiêu diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào tất cả các vật chứa nước để ăn lăng quăng.

Cần thu gom đồ phế thải quanh nhà (ve chai, lọ vỡ, vỏ xe…), lật úp các vật thải chứa nước. Làm giảm mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi. Khi đi ngủ, kể cả ban ngày, phải giăng mùng để phòng bệnh SXH. Sử dụng bình xịt diệt muỗi, đốt nhang muỗi, bôi kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.