Di hại nặng nề do "làm đẹp"
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, song có không ít trường hợp chấp nhận di chứng, thậm chí đánh đổi sinh mạng của mình để quyết “sửa sang” nhan sắc.
Các bác sĩ đang phẫu thuật lấy silicon trong ngực nạn nhân dùng dịch vụ của thẩm mỹ chui |
Bên cạnh sự chủ quan của nạn nhân, đã có tình trạng những thẩm mỹ viện chui lừa khách hàng sử dụng các chất làm đẹp kém chất lượng.
Cơ thể biến dạng
Mới đây, chị N.T.Loan gửi đơn kiện bà H., chủ Thẩm mỹ viện Hà Anh (110/20/1 Bà Hom, quận 6, TPHCM) lên Tòa án nhân dân quận 6 vì cho rằng mình bị tiêm filler (chất làm đầy) nâng mũi khiến chị bị hỏng mắt trái, đồng thời đòi bồi thường hơn 360 triệu đồng. Sau đó, Phòng y tế quận 6 kiểm tra đột xuất và xử phạt cơ sở này 12,5 triệu đồng vì có sai phạm trong quá trình hoạt động. Theo lời kể của chị Loan, năm 2016, chị đến Thẩm mỹ viện Hà Anh đăng ký khóa học về nhấn mí, tiêm filler... Bà H. yêu cầu chị Loan đi mua 2 mũi filler về tiêm cho khách hàng. Tuy nhiên, một mũi trong số đó được bà H. tiêm “miễn phí” cho chị Loan với mục đích vừa có clip học, vừa được làm đẹp. Khi tiêm được nửa mũi thì chị bắt đầu có biểu hiện đau, choáng váng rồi gục ngã.
Bà H. liền gọi chồng đưa chị Loan đến bệnh viện gần nhà cấp cứu. Sau đó, chị được chuyển qua Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị. Chị Loan kể lại chẩn đoán của bác sĩ rằng trong lúc tiêm filler, bà H. để mũi kim đâm trúng động mạch ở mũi và chất này tràn vào mắt khiến chị đột quỵ, xuất huyết não… Trong hơn 1 năm sau đó, chị Loan đến nhiều bệnh viện để chữa trị, tuy nhiên các bác sĩ kết luận mắt chị bị teo nhãn cầu, mất thị lực mắt trái, viêm muống thể mi... không có cách nào chữa khỏi.
Hay như thông tin kèm hình ảnh về “tai nạn” trong quá trình làm đẹp của hot girl chuyển giới Linda (tên thật là Mai Kim Trí) sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người giật mình. Do sử dụng silicon kém chất lượng, gương mặt của Linda bị biến dạng đến 70%. Được biết đến là người đẹp chuyển giới, Linda từng trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tiêm silicon vào khuôn mặt để nữ tính hơn, nhưng khi “nạo silicon” ra khỏi gương mặt đã để lại di chứng. Dù Linda đã tiêm rất nhiều thuốc, thậm chí tìm đến cả những bác sĩ giỏi nhất trong nước nhưng vết thương bên trong vẫn chưa lành mà còn ứ dịch và sưng phù nhiều hơn.
Cần cảnh tỉnh
Theo GS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, BV thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tiêm filler không rõ nguồn gốc hoặc kỹ thuật tiêm có vấn đề nên bị hoại tử da, bắt buộc phải rạch da xử lý để lại sẹo, mất thẩm mỹ. Biến chứng nguy hiểm nhất của việc tiêm silicon là gây thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi gây hôn mê, tử vong. Nếu đã tiêm silicon vào cơ thể thì không thể nạo được mà phải xử lý cắt bỏ silicon và cả mô lành xung quanh, gây nên tình trạng lồi lõm, phải tái tạo mô hay dùng túi độn đối với vùng ngực.
Qua tìm hiểu của phóng viên, nắm bắt tâm lý những người làm đẹp “ngại” nghe tên gọi silicon - một chất đã bị cấm sử dụng từ lâu, nên những thẩm mỹ viện chui đánh tráo tên gọi, tìm cách tư vấn cho khách hàng các chất như mỡ nhân tạo hoặc filler, trên thực tế chính là silicon. Nguy hiểm ở chỗ, các chất filler hay silicon lỏng đa phần là hàng trôi nổi, được các cơ sở thẩm mỹ mua với giá khoảng 2 - 3 triệu đồng/mũi nhưng khi tiêm cho khách thì lấy giá gấp 2 - 3 lần.
“Nhiều người không có trình độ và kiến thức về y tế vẫn nhận tiêm filler khiến khách hàng lãnh đủ hậu quả. Ngoài việc sử dụng filler không rõ nguồn gốc tại các cơ sở chui hoặc bác sĩ không có tay nghề, thì việc sử dụng filler cũng ẩn chứa đầy hiểm họa như làm liệt cơ mặt, tăng nếp nhăn nếu ngừng dùng, đẩy nhanh quá trình lão hóa da và gây nên những biến chứng khó lường. Đáng sợ hơn, tiêm filler nhầm mạch máu sẽ gây mù mắt”, GS-TS-BS Đỗ Quang Hùng cảnh báo.
Còn theo BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương, các cơ sở spa chỉ được phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc da. Các kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn thì chỉ những phòng khám chuyên khoa về thẩm mỹ, da liễu mới được phép thực hiện. Do đó, người dân muốn làm đẹp nên tìm hiểu kỹ cơ sở có uy tín, có sự cấp phép của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế; không nên đến những nơi “làm chui”, “mổ lậu” và phải biết chất được bơm vào cơ thể mình là chất gì, có được công nhận hay không để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
“Bất kỳ cơ sở có giấy phép nào cũng có danh sách các sản phẩm làm đẹp được cấp giấy chứng nhận và người đi làm đẹp có quyền được biết mình sẽ phải sử dụng chất gì, tránh các trường hợp tai biến”, BS Quốc Khanh chia sẻ thêm.
Theo TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, trên địa bàn TP hiện có 152 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Từ cuối tháng 8-2017 đến nay, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 143 cơ sở, phòng khám thẩm mỹ; phát hiện 93 cơ sở vi phạm và đã xử phạt 55 cơ sở hơn 460 triệu đồng.
Theo sggp.org.vn