Thứ Hai, 15/01/2018, 06:31 (GMT+7)
.

Thấp còi ở trẻ thách thức tầm vóc dân tộc trong tương lai

Chương trình Quốc gia Phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) đã và đang được tỉnh tập trung thực hiện. Chương trình này đã đem lại hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em. Hiện tại, tỷ lệ SDD ở trẻ em của tỉnh đã giảm đáng kể, nhưng chủ yếu giảm ở thể SDD nhẹ cân.

Hiện có một thực trạng cần được quan tâm đúng mức, đó là tình trạng SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ này ở mức cao và giảm rất chậm trong vài năm trở lại đây.

Khi trẻ em bị SDD thể thấp còi cần phải được chăm sóc hợp lý và khám chữa bệnh kịp thời.
Khi trẻ em bị SDD thể thấp còi cần phải được chăm sóc hợp lý và khám chữa bệnh kịp thời.

CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG THẤP CÒI

Theo báo cáo của tỉnh, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm rõ rệt, năm 2000 là 28%, đến năm 2012 là 13,9% và năm 2017 là dưới 13%. Tuy nhiên, tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ này trong  năm 2006 và năm 2009  đều ở mức 29,6%, năm 2012 là 26,4% và hiện tại là trên 20%.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, chiều cao của người Việt Nam hiện nay hầu như không thay đổi so với nửa thế kỷ trước. Tình trạng này kéo dài qua nhiều thế hệ. Người mẹ thấp bé nhẹ cân dễ sinh con bị SDD thể thấp còi.

Trong tương lai, những trẻ bị SDD thể thấp còi cũng khó đuổi kịp các bạn cùng trang lứa cả về thể lực và trí lực. Những đứa trẻ này thường có nguy cơ bị béo phì vào những năm đầu đời hơn là khi trưởng thành.

SDD thể thấp còi là một dạng SDD mạn tính, phản ánh sự chậm tăng trưởng do điều kiện dinh dưỡng và sức khỏe không tốt trong thời gian dài. Dinh dưỡng của người mẹ trong thời gian mang thai ảnh hưởng tốc độ phát triển chiều dài thai nhi. Người mẹ trước và trong khi mang thai, nếu dinh dưỡng kém sẽ dễ sinh con bị thấp còi.

Trong 2 - 5 năm đầu đời, nuôi dưỡng có vai trò rất quan trọng, để trẻ phát triển tốt. Trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh và có khẩu phần ăn thiếu đạm, thiếu béo hoặc di chứng còi xương sớm do thiếu canxi, vitamin D cũng dễ bị thấp còi.

Hiện nay, chuyện nuôi con bằng sữa mẹ đang tồn tại một điều nghịch lý đáng báo động. Bởi theo kết quả điều tra năm 2010, ở Tiền Giang có 74,1% bà mẹ cho con bú trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nhưng chỉ có 4% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và 55% trẻ được cho ăn bổ sung hợp lý.
Thấp còi ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ sau này là thấp bé, năng suất lao động thấp, dễ mắc các bệnh như đái tháo đường, thừa cân, béo phì. Tình trạng này gây nhiều thiệt hại về kinh tế, kìm hãm phát triển, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực, tới giống nòi. Ngân hàng thế giới ước tính, SDD thấp còi ở Việt Nam làm giảm 5% GDP.

TRẺ KHÔNG BÚ MẸ LÀ NGUYÊN NHÂN QUAN TRỌNG

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD thể thấp còi, nhưng nguyên nhân chính là do các bà mẹ thiếu kiến thức trong chăm sóc con cái. SDD ở trẻ hiện nay không phải chỉ do thiếu ăn. Vì hiện có nhiều gia đình có điều kiện rất tốt trong chăm sóc con cái, nhưng con họ vẫn bị SDD.

 Việc cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống sữa ngoài (sữa hộp, sữa bột…) là một thực hành sai, đang có chiều hướng gia tăng. Ngày càng nhiều trẻ em bị “mất quyền lợi” bú mẹ. Do điều kiện kinh tế cao cùng với sự quảng cáo quá đà của các công ty sữa, khiến không ít bà mẹ chọn sữa công thức để thay thế việc cho con bú.

Việc không bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nuôi con bằng sữa mẹ trong 24 tháng đầu đời chưa thấy ngay hậu quả, mà chỉ có thể phát hiện khi trưởng thành. Vì vậy, các bà mẹ chưa mấy quan tâm hoặc chủ quan.

Để giảm tình trạng thấp còi, trước tiên là cải thiện tình trạng dinh dưỡng bào thai. Ngay từ những tuần đầu mang thai, người mẹ cần ăn đủ chất đạm, canxi và đặc biệt là iốt. Thiếu iốt, bào thai sẽ không phát triển được. Các chất quan trọng khác là sắt, vitamin A, folat... cũng cần được bổ sung hợp lý. Sau khi sinh, trẻ cần được nuôi dưỡng, chăm sóc hợp lý để không bị SDD.

Các gia đình cần có kiến thức về chăm sóc trẻ, thực hiện tốt “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý”, “8 hoạt động dinh dưỡng tại gia đình”. Trong đó, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì cho trẻ bú mẹ ít nhất đến 2 tuổi.

Cân nặng và chiều cao của trẻ phải được theo dõi hằng tháng. Tiêm phòng và cho trẻ uống Vitamin A đầy đủ;  đồng thời giữ gìn vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, phòng chống giun sán cho trẻ. Đặc biệt, trẻ phải được ăn uống, chăm sóc hợp lý trong và sau khi bị bệnh.

MAI HÀ

.
.
.