Thứ Bảy, 10/02/2018, 08:52 (GMT+7)
.

Điều trị cúm: Không lạm dụng thuốc kháng virus đặc trị, thuốc kháng sinh

Thời gian gần đây, khi thấy lượng bệnh nhân mắc cúm tăng cao, không ít người dân đã tự mua thuốc đặc trị kháng virus, thuốc kháng sinh để sử dụng với mục đích phòng ngừa. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, thuốc kháng virus đặc trị không phải ai cũng dùng được, và cũng không phải ai cũng đáp ứng với thuốc.

thuốc kháng virus đặc trị không phải ai cũng dùng được, và cũng không phải ai cũng đáp ứng với thuốc. Ảnh minh họa
Thuốc kháng virus đặc trị không phải ai cũng dùng được, và cũng không phải ai cũng đáp ứng với thuốc. Ảnh minh họa

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh cúm đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Bệnh nhân mắc bệnh cúm nhập viện đang gia tăng.

Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, chỉ trong 3 tuần qua đã tiếp nhận hơn 1.000 trẻ mắc cúm đến khám, hơn 220 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú. Còn BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân gồm cả người lớn và trẻ em có triệu chứng cúm đến khám, trong đó, khoảng một nửa số trường hợp phải điều trị nội trú.

Ngoài ra, tại các BV khác như Đức Giang, Đống Đa, Saint Paul và Khoa Nhi BV Bạch Mai cũng đang điều trị cho hàng chục bệnh nhi bị bệnh cúm mùa.

Sử dụng thuốc không đúng dễ dẫn đến kháng thuốc

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, A/H1N1, cúm B và cúm C.

Nếu bệnh nhân là người lớn thì có thể hồi phục từ 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, sẽ diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể tử vong.

Thời gian gần đây, khi thấy lượng bệnh nhân mắc cúm tăng cao, không ít người dân đã tự mua thuốc đặc trị kháng virus (trong đó thuốc tamiflu được “săn lùng” nhiều nhất, dẫn đến mặt hàng này tăng giá chóng mặt), thuốc kháng sinh để sử dụng với mục đích phòng ngừa. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, thuốc kháng virus đặc trị không phải ai cũng dùng được, và cũng không phải ai cũng đáp ứng với thuốc.

BS. Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho báo SK&ĐS biết: Tamiflu được khuyến cáo nên sử dụng sớm nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi bệnh nhân có triệu chứng khởi phát cúm, vì dùng muộn thì sẽ giảm hiệu quả đi rất nhiều.

Cũng theo BS. Hải, sử dụng Tamiflu phải đúng chỉ định để tránh tình trạng kháng thuốc xảy ra. Ví dụ, dùng tamiflu trong cúm B là không đúng chỉ định. Thuốc này chỉ sử dụng trong những trường hợp cúm A và cúm A trên những cơ địa đặc biệt, ví dụ như bệnh nhân có nguy cơ tiến triển bệnh nặng (như trên nền có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường) hoặc là những bệnh nhân suy giảm miễn dịch có chỉ định dùng tamiflu. Còn dùng quá tràn lan thì có nguy cơ gây kháng thuốc rất cao và gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Theo các bác sĩ, khi mắc cúm mùa thông thường, trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày

Phòng cúm mùa thế nào cho đúng?

Theo các bác sĩ, khi mắc cúm mùa thông thường, trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày.

Khi trẻ được chẩn đoán mắc cúm thông thường, không nhất thiết phải nhập viện mà có thể chăm sóc tại nhà. Nếu chúng ta chăm sóc trẻ tốt, trẻ sẽ không bị bội nhiễm thêm vi khuẩn thì sẽ không phải sử dụng thêm kháng sinh, vì về bản chất, thuốc kháng sinh vừa không có tác dụng đối với các loại virus gây bệnh cúm vừa khiến cho trẻ dễ dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh.

Cha mẹ lưu ý vệ sinh đường hô hấp bằng dung dịch nước muối sinh lý cho trẻ. Đồng thời, khi có con bị cúm nhẹ không nhất thiết phải dùng thuốc kháng virus Tamiflu vì thuốc này không phải là thuốc bắt buộc phải có để điều trị các trường hợp cúm mùa thông thường, mà chỉ sử dụng trong một số trường hợp cúm nặng.

Với trường hợp mắc một số chủng cúm nặng, nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp hoặc bị cúm trên nền bệnh khác…  gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và quyết định cho trẻ nhập viện hay không. Lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định dùng thuốc phù hợp.

Liên quan đến công tác phòng chống bệnh cúm, tại công điện khẩn mới đây, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở điều trị tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh; thu dung cách ly, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm. Kiểm soát chặt và chỉ định dùng thuốc kháng virus, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc.

Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng virus cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và đã thiết lập 2 Trung tâm Cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM. Đến nay, hai Trung tâm Cúm quốc gia này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng virus cúm, kể cả chủng virus cúm có độc lực cao.

Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới, lạ, cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.