Thứ Ba, 13/02/2018, 14:39 (GMT+7)
.

Đừng để "mất tết" vì rượu, bia

Trong y học, rượu, bia vừa có lợi lại vừa gây hại cho sức khỏe con người. Vậy sử dụng rượu, bia thế nào để không phải mất tết? 

Tiến hành test nhanh methanol trong rượu bán tại một cơ sở kinh doanh ăn uống.
Tiến hành test nhanh methanol trong rượu bán tại một cơ sở kinh doanh ăn uống.

Từ xa xưa, ông bà ta đã biết nấu rượu và dùng rượu để phục vụ cho đời sống. Rượu trong y học vừa để bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, vừa tạo niềm hưng phấn, tiêu thực cho người sử dụng…

Do đó, những bài thuốc rượu gia truyền, những làng nghề nấu rượu truyền thống ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.

Theo truyền thống, hầu hết mọi nhà đều không thể thiếu rượu, bia vào những dịp lễ, tết hay đám tiệc. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu, bia gần đây đã có những cảnh báo về ngộ độc dẫn đến nguy hiểm tính mạng và có cả trường hợp tử vong.

Bác sĩ Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, nếu sử dụng sản phẩm rượu, bia có chất lượng đảm bảo và uống đúng liều lượng thì hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Liều lượng ở đây tính theo đơn vị.

Đối với 1 nam thanh niên sức khỏe bình thường có thể uống tối đa 2 đơn vị, tức khoảng 120 ml rượu hoặc 2 lon bia mỗi ngày.

Còn đối với 1 nữ thanh niên thì mỗi ngày có thể uống 60 ml rượu hoặc 1 lon bia là bình thường, không gây hại cho cơ thể.

Nếu uống quá liều lượng trên thì sẽ không có lợi mà còn gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, nhiều đối tượng và các thời điểm được khuyên hạn chế hoặc không uống rượu, bia như: Phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý về gan, tim mạch; khi mệt mỏi, căng thẳng; khi đang đói…

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại rượu, bia có nguồn gốc xuất xứ và thành phần khác nhau. Do đó, trước khi chọn sử dụng rượu, bia, người tiêu dùng nên xem kỹ thành phần và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Khi sử dụng, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm rượu, bia không có hóa chất độc hại (methanol, kim loại nặng) và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, mọi người không nên uống rượu, bia quá nhiều.

Các sản phẩm rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính hay không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng là tuyệt đối không nên uống.

Việc lạm dụng rượu thường xuyên sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề cho sức khỏe và cuộc sống như: Viêm loét đường tiêu hóa; viêm tụy cấp; viêm gan cấp do rượu; xơ gan, ung thư gan; suy giảm trí tuệ, rối loạn tâm thần; tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt xảy ra sau khi uống rượu…

Theo bác sĩ Trần Thanh Thảo, say rượu là tình trạng của ngộ độc. Do đó, để xử trí ngộ độc rượu, người say rượu cần được kê gối thấp cho nằm, đầu hơi nghiêng một bên, để khi có nôn ói thì tránh hít ngược vào phổi. Sau 2 - 3 giờ ngủ, người say rượu cần phải được đánh thức và cho ăn cháo hoặc uống sữa, để tránh tình trạng hạ đường huyết; đồng thời cần kiểm tra tình trạng say rượu ở mức độ nào.

Người say rượu cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu. Nếu người say rượu có các dấu hiệu như: Nôn liên tục, dịch nôn có máu, lay gọi không tỉnh sau 2 - 3 giờ ngủ, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu, co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái… thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu.

Việc uống rượu, bia trong những cuộc họp mặt, đám tiệc cũng như ngày lễ, tết... là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, mọi người cần chủ động quyết định uống rượu, bia như thế nào và liều lượng bao nhiêu, để không phải mất tết.

THỦY HÀ

.
.
.