Thứ Tư, 07/02/2018, 15:53 (GMT+7)
.

Thời tiết chuyển mùa cẩn trọng sức khỏe người già và trẻ em

Thời tiết những ngày qua luôn thay đổi thất thường. Mưa ẩm, lạnh vào buổi sáng và chiều làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Trong đó, người già và trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ phát bệnh nhất do sức đề kháng yếu. Bệnh đường tiêu hóa và đường hô hấp là 2 nhóm bệnh thường gặp khi thời tiết thất thường.

Thể dục dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho người cao tuổi.
Thể dục dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho người cao tuổi.

TRẺ CẦN CHĂM SÓC CHU ĐÁO

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, số trẻ em nhập viện và điều trị bệnh ngoại trú tăng đáng kể, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Theo bác sĩ chuyên nhi khoa, tình trạng bệnh ở trẻ em tăng vọt trong thời điểm này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do yếu tố biến đổi thời tiết và cách chăm sóc trẻ không hợp lý.

Những bệnh thường gặp ở trẻ em vào thời tiết chuyển mùa là các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm họng cấp tính, cảm cúm và hen phế quản. Bên cạnh đó, bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất là tiêu chảy.

Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần quan tâm, theo dõi và chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa. Phụ huynh cũng cần lưu ý thực hiện một số biện pháp chính trong sinh hoạt và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Khi cho trẻ ra ngoài vào ban đêm hay sáng sớm phải mặc đồ đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ và đầu. Phụ huynh cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như: Cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Do trẻ em có sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu nên vẫn có thể bị lây truyền bệnh khi tiếp xúc với người lớn bị nhiễm vi rút, vi khuẩn hoặc bị bệnh. Vì vậy, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người.

Chế độ ăn uống của trẻ phải đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng. Trẻ cần phải được ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Trẻ phải ăn cân đối các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Phụ huynh cũng cần lưu ý cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh và tốt nhất là cho trẻ ăn thức ăn mới nấu. 

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, trẻ em cần được chăm sóc an toàn từ người lớn để có môi trường sống trong lành. Do đó, đảm bảo vệ sinh môi trường nhà ở, giữ ấm nhà cửa là rất quan trọng. Người chăm sóc trẻ phải thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Do bệnh ở trẻ em diễn tiến phức tạp, khó lường nên khi trẻ có các dấu hiệu nghi bị bệnh thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Riêng đối với trẻ sơ sinh (trẻ nhỏ hơn 1 tháng tuổi), việc chăm sóc trẻ phải kỹ lưỡng hơn. Buồng của trẻ phải thoáng khí nhưng ấm áp, tránh gió lùa. Trẻ phải được mặc quần áo đủ ấm, đội nón, mang vớ tay chân.

Phụ huynh thường xuyên kiểm tra tã và thay ngay khi tã ướt để tránh cho trẻ bị lạnh. Trẻ sơ sinh không nhất thiết phải tắm hằng ngày khi trời quá lạnh. Nếu trẻ không quá dơ thì có thể lau cơ thể cho trẻ bằng khăn ấm.

Một biện pháp hữu hiệu nhằm phòng bệnh đối với trẻ hiện nay mà các phụ huynh cần quan tâm thực hiện là tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.

NGƯỜI GIÀ CẦN LƯU TÂM ĐẾN SỨC KHỎE

Khi thời tiết giao mùa, không chỉ riêng trẻ em dễ mắc bệnh mà người già cũng rất dễ mắc bệnh cấp tính hoặc tái phát một số bệnh mãn tính do hệ miễn dịch đã suy giảm. Một số bệnh cấp tính có thể xuất hiện như: Viêm đường hô hấp trên (viêm họng, mũi, thanh quản, xoang) và các bệnh đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn).

Các bệnh này nếu không phát hiện hoặc điều trị ngay có thể dẫn đến mạn tính hoặc nguy hiểm cho tính mạng, nhất là bệnh viêm phổi, hen suyễn.

Bên cạnh đó, khi chuyển mùa, một số bệnh mạn tính thường gặp ở người già như: Viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, khí phế thũng, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... vẫn có thể tái phát, bởi sức đề kháng kém hoặc do dùng thuốc không thường xuyên.

Thời tiết thất thường, thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng có thể làm cho huyết áp của người già tăng đột ngột, nhất là những người có tiền sử cao huyết áp rất dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.

Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển mạnh. Nếu người già không cẩn thận trong ăn uống thì có thể mắc các bệnh về đường tiêu hóa, nhất là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do sức đề kháng suy giảm.

Để phòng ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe trong lúc giao mùa, người già cần tuân thủ nguyên tắc ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.

Trong đó, việc đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất đối với người già là vô cùng cần thiết. Trong khẩu phần ăn của người già cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin, chất khoáng, chất xơ để góp phần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Người già tuyệt đối không ăn rau sống, không ăn thịt chưa nấu chín hoặc thực phẩm đã ôi thiu và không uống nước chưa đun sôi. Người già không nên bỏ bữa và cần uống đủ nước là yêu cầu quan trọng.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, người già nên vận động thể chất hợp lý. Trong đó, tập thể dục dưỡng sinh là một khuyến cáo để người già tăng cường thể lực, sức đề kháng của cơ thể.

MỘC TRÀ

.
.
.