Thứ Ba, 27/03/2018, 21:30 (GMT+7)
.

Báo động tình trạng bệnh nhân nhiễm HBV không được điều trị

Khoảng 300 triệu người trên thế giới đang chung sống với virus viêm gan B (HBV), song cứ 20 bệnh nhân thì chỉ có 1 trường hợp được điều trị.

Đây là thông tin được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành The Lancet Gastroenterology & Hepatology.
Các nhà nghiên cứu đặc biệt lưu ý tỷ lệ được chữa trị thấp ở phụ nữ mang thai - vốn có thể lây truyền virus viêm gan B sang con. Theo đó, cứ 100 phụ nữ mang thai nhiễm HBV chỉ có 1 người được điều trị.

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Jakarta Post)
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Jakarta Post)

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 435 nghiên cứu và tập hợp ý kiến của hơn 600 chuyên gia. Theo đó, trong năm 2016 trên thế giới có 292 triệu người mang HBV trong người, chiếm gần 4% dân số toàn cầu. Virus này phổ biến nhất ở khu vực Đông Á và Nam Sahara ở châu Phi. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, Philippines chiếm tới gần 60% ca nhiễm.

Nếu không được chữa trị, HBV có thể gây ra các bệnh liên quan đến gan, trong đó có ung thư. Ước tính, mỗi năm có khoảng 600.000 người tử vong do mắc các bệnh về gan liên quan đến HBV, khiến loại virus này nguy hiểm hơn sốt rét.

Đường lây truyền HBV gần giống HIV, gồm 3 đường: máu, quan hệ tình dục, và mẹ sang con. Hiện chưa có phương pháp điều trị HBV, song vaccine có thể phát huy hiệu quả trong việc đối phó với virus này.

Vaccine phòng chống HBV đã được sử dụng từ đầu những năm 1980. Kể từ năm 1992, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cần tiêm mũi vaccine đầu tiên cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh, song chỉ 1/2 số trẻ mới chào đời được tiêm vaccine sớm như vậy.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo với thực trạng này, các nước cần nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ lây nhiễm HBV tương đương HIV.

(Theo TTXVN)

.
.
.