Đề xuất tăng thuế với thuốc lá
Một báo cáo thống kê cho thấy, mỗi năm, có 40.000 người Việt Nam tử vong sớm do thuốc lá và con số này có thể tăng lên 70.000 người vào những năm tới. Cũng tại báo cáo này, thì có tới 45,3% nam giới Việt Nam hút thuốc lá trong đó có một tỷ lệ đáng kể người nghèo hút thuốc.
(Nguồn: Gaijinpot) |
Thuốc lá: Gánh nặng kinh tế và bệnh tật của toàn xã hội
Cụ thể, trung bình những hộ gia đình nghèo chi đến 5,3% thu nhập cho thuốc lá. Theo bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, đây chính là nguyên nhân gây ra gánh nặng kinh tế và bệnh tật cho xã hội.
Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại là phần lớn những người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc từ khi còn rất trẻ.
Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, có tới 56% người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc trước 20 tuổi.
Bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh cũng cho hay trong khói thuốc lá chứa khoảng 7.000 hợp chất độc hại, trong đó có 69 hợp chất gây ung thư như: ammoniac, carbon monoxide, nicotine và các chất độc khác - nguyên nhân gây nên các bệnh như ung thư phổi, ung thư thanh quản, đại trực tràng, dạ dày...
Cần tăng mạnh thuế với thuốc lá
Một trong những nghịch lý khiến tình trạng khiến số người thu nhập thấp, người trẻ hút thuốc gia tăng bất chấp những cảnh báo cũng như thực tế về hệ lụy của thuốc lá mang lại chính là do giá thuốc lá tại Việt Nam đang ở mức giảm so với thu nhập.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2005-2016, thu nhập theo đầu người tăng gấp 4,7 lần nhưng giá thuốc lá chỉ tăng 2,2 lần.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết sở dĩ giá thuốc lá thấp vì thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp. Hiện tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 35,6%, thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới là 56% và thấp hơn đa số các nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Philippines 63%...).
"Theo tính toán, nếu tăng thuế khoảng 10% đối với thuốc lá thì sẽ góp phần giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển; đặc biệt tỷ lệ hút thuốc ở người nghèo, trẻ em sẽ giảm nhiều hơn," bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp, bác sỹ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng để giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu giảm tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá vào năm 2020, Chính phủ cần tăng mức thu thuế tuyệt đối ít nhất lên 2.000 đồng/bao thuốc lá vào 1/1/2020 và có điều chỉnh mức thuế tuyệt đối này dựa vào CPI trong các năm tiếp theo để đảm bảo giá thuốc lá không quá thấp so với mức tăng thu nhập.
(Theo TTXVN)