Thứ Năm, 19/04/2018, 21:18 (GMT+7)
.

Thấy gì qua nhà vệ sinh ở trường học?

Dù cơ sở vật chất trường học luôn được tỉnh Tiền Giang quan tâm đầu tư nhưng nhiều công trình vệ sinh, nước sạch trường học trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm vệ sinh. Do đó, vấn đề nhà vệ sinh, nước sạch trong trường học cần có sự quan tâm đúng mức, nhằm tạo ra môi trường giáo dục sạch đẹp và thân thiện cho học sinh.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát  thực tế công trình vệ sinh,  nước sạch tại các trường học.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát thực tế công trình vệ sinh, nước sạch tại các trường học.

NHIỀU LO NGẠI

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh vừa có đợt giám sát về công trình vệ sinh, nước sạch tại một số trường học trên địa bàn 3 huyện: Tân Phú Đông, Châu Thành và Cai Lậy. Qua giám sát cho thấy, tình trạng xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm vệ sinh... của công trình nhà vệ sinh, nước sạch ở các trường học đang là mối lo ngại đáng quan tâm.

Cụ thể, công trình nhà vệ sinh của Trường THCS - THPT Tân Thới (huyện Tân Phú Đông) xây dựng từ năm 2004, với 8 phòng vệ sinh ở 2 khu riêng biệt cho giáo viên và học sinh. Mỗi khu đều có phòng vệ sinh riêng dành cho nam và nữ. Trong năm học 2017 - 2018, toàn trường có 1.006 học sinh ở 2 bậc học THCS và THPT.

Do học sinh quá đông, trong khi nhà vệ sinh của trường lại ít  nên không đáp ứng tốt nhu cầu vệ sinh của học sinh, nhất là trong những giờ ra chơi. Bên cạnh đó, nguồn nước phục vụ cho nhà vệ sinh của trường chủ yếu lấy từ kinh, rạch tự nhiên, thường bị nhiễm mặn và hay thiếu hụt vào mùa khô. Một vấn đề nữa là trường hiện chưa có máy xử lý nước uống đạt chuẩn. Để giải quyết vấn đề nước uống, nhà trường cố gắng bố trí các bình nước phục vụ học sinh và giáo viên, nhưng lại gặp khó về kinh phí.

Do được Nhà nước và các dự án đầu tư, tài trợ xây dựng từ khá lâu nên hiện công trình nhà vệ sinh Trường Tiểu học Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) thường xuyên bị hư hỏng, không bảo đảm phục vụ nhu cầu vệ sinh cho học sinh và giáo viên. Trường cũng đã đầu tư mua sắm 4 máy lọc nước uống nóng, lạnh và 2 hệ thống lọc nước uống cho học sinh nhưng đều không thể đưa vào sử dụng. Nguyên nhân là do nguồn nước tại trường chưa bảo đảm vệ sinh và không đáp ứng được hoạt động của các hệ thống lọc nước.

Theo ghi nhận thực tế giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh tại Trường THCS Phú Nhuận (huyện Cai Lậy), thì khu nhà vệ sinh dành cho học sinh của trường này được xây dựng từ năm 2003, gồm 9 phòng (3 phòng dành cho nam và 6 phòng dành cho nữ). Qua 15 năm đưa vào sử dụng, khu nhà vệ sinh này đã bị xuống cấp rất trầm trọng, với nền lún, cửa các phòng bị hỏng, mái che bị rỉ sét, hệ thống thoát nước thường bị nghẹt…

Bên cạnh đó, trường cũng chỉ có 1 phòng vệ sinh tạm cho giáo viên (dành cho cả giáo viên nam và nữ). Về nước uống, nhà trường hiện vẫn chưa có máy lọc nước đạt chuẩn phục vụ cho nhu cầu nước uống của giáo viên và học sinh. Trường đang phải sử dụng nguồn quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh để mua nước bình sử dụng.

Còn tại huyện Châu Thành, hiện có 37 điểm trường đang gặp khó khăn về nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên. Toàn huyện có 2 điểm trường chưa có hệ thống nước sạch; 9 điểm trường gặp khó khăn trong việc thoát nước vào mùa mưa.

Về nước uống cho học sinh, toàn huyện có 66/66 trường đều sử dụng nước bình để phục vụ nhu cầu nước uống cho học sinh tại trường. Riêng thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), toàn tỉnh hiện có 93 nhà vệ sinh học sinh, giáo viên bị hư hỏng và 198 nhà vệ sinh tạm.

CẦN QUAN TÂM ĐÚNG MỨC 

Theo phân tích của đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, khi triển khai Đề án Xây dựng nhà vệ sinh trường học, ngân sách tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh các trường học, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành Giáo dục cũng như điều kiện cụ thể của từng bậc học.

Tuy nhiên, do số lượng học sinh tăng hằng năm nên nhà vệ sinh bị quá tải, dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm vệ sinh và đáp ứng thực tế nhu cầu. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh của một bộ phận học sinh hiện nay vẫn còn rất kém. Rất nhiều học sinh của các trường học không có ý thức bảo quản cơ sở vật chất và giữ gìn vệ sinh. Nhất là tình trạng xả nước, vứt rác bừa bãi, mùi hôi... tại các khu vệ sinh trong trường học diễn ra khá phổ biến.  

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang Trần Thị Quý Mão cho biết, năm nào, Sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra công tác vệ sinh, nước sạch tại các trường học. Qua kiểm tra, Sở đều chỉ đạo, nhắc nhở các trường nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cho học sinh nhưng các trường thực hiện vẫn chưa hiệu quả.

Để khắc phục những tồn tại của công trình vệ sinh, nước sạch trong các trường học, trước mắt, Sở GD-ĐT có đưa ra nhu cầu kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà vệ sinh dành cho học sinh và giáo viên là gần 51 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng trình UBND tỉnh về chủ trương cho các cơ sở giáo dục được trích một phần kinh phí từ nguồn thu căn tin, giữ xe để thực hiện thuê mướn dịch vụ vệ sinh trường học. Bên cạnh đó, các trường cũng cần thường xuyên tăng cường giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh trường, lớp cho các em học sinh.

Những thuận lợi, khó khăn trong sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch trường học đã được đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh ghi nhận, để có đề xuất về những biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh và giáo viên, các cấp, các ngành, các địa phương cùng lãnh đạo các trường học cần có sự quan tâm đúng mức hơn về vấn đề nhà vệ sinh, nước sạch trong nhà trường, để có sự đầu tư đồng bộ cũng như nguồn kinh phí duy trì việc nâng cấp, sửa chữa.

ĐỖ PHI

.
.
Liên kết hữu ích
Đơn vị thiết kế biệt thự cao cấp
.