Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài, nhất là thời điểm mùa hè là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật, vi khuẩn phát triển dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm như: Tả, thương hàn, cảm, cúm, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM)… có nguy cơ lây lan và bùng phát.
Để bảo vệ sức khỏe người dân, ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc phòng, chống dịch bệnh.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, nhất là đối với trẻ em. |
KHÔNG THỂ LƠ LÀ
Trong 3 tháng đầu năm 2018, các bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, có một số bệnh không giảm như: Quai bị, tiêu chảy, ho gà và sốt rét. Bệnh ho gà gia tăng và xu hướng tuổi mắc sớm hơn tuổi được tiêm chủng.
Về bệnh sốt rét, có 2 trường hợp sốt rét ngoại lai thuộc huyện Cái Bè (lao động tự do ở châu Phi) và TP. Mỹ Tho (lao động ở tỉnh Bình Phước), tăng 2 ca so với cùng kỳ.
Bệnh SXH xuất hiện ở 11 huyện, thành, thị. Số ca mắc và ổ dịch SXH đều giảm so với cùng kỳ năm 2017. Số ca mắc bệnh TCM giảm 57,3%. Bệnh TCM lưu hành cùng với bệnh SXH và đang vào đỉnh dịch (tháng 4 và 5).
Bệnh thủy đậu có 120 trường hợp bị mắc, quai bị có 216 ca bệnh, giám sát sốt phát ban nghi sởi và rubella là 4 trường hợp. Cúm A (H5N6) trên gia cầm phát hiện 1 ổ dịch xảy ra ở huyện Gò Công Đông...
Mặc dù, từ đầu năm đến nay, số ca mắc các bệnh giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng theo ngành Y tế, nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống, thì những căn bệnh này có thể diễn biến phức tạp và có nguy cơ gia tăng số ca mắc trong thời gian tới.
Ngoài SXH, các dịch bệnh hay gặp trong mùa hè như: TCM, cúm, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ… có thể lây lan nếu người dân không nâng cao ý thức phòng ngừa.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, do tăng cường giám sát, xử lý kịp thời các ca bệnh truyền nhiễm nên tình hình dịch bệnh thời gian qua được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu người dân không phòng ngừa tốt thì rất có thể bị nhiễm bệnh và nguy cơ bùng phát dịch bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đó, người dân không nên chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phải phòng ngừa dịch bệnh ở trẻ em.\
TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai nhiều biện pháp như: Giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh; điều tra dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng…
Cùng với các biện pháp chuyên môn, ngành Y tế cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh.
Tại các Trung tâm Y tế huyện, thành, thị, hoạt động phòng, chống dịch bệnh mùa hè được chú trọng. Các trung tâm phối hợp với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai hiệu quả các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh để nâng cao ý thức của người dân trong việc quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Từ đó, người dân đã chủ động hơn trong việc đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Các trạm y tế tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn lập kế hoạch bám sát tình hình thực tế của địa phương để có những biện pháp chỉ đạo cụ thể trong phòng, chống dịch bệnh.
Các địa phương duy trì tốt việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại các trường học, nhất là trường mầm non tổ chức nuôi dạy trẻ dịp hè, các trạm y tế sẽ phối hợp với nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh về sự cần thiết của việc phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, các trường cần quan tâm, phát hiện sớm các ca bệnh để có biện pháp cách ly, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thanh Linh, ngoài chỉ đạo các tuyến y tế tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát dịch bệnh thì các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hóa chất để chủ động chống dịch trong điều kiện khẩn cấp, cao điểm.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực để thu dung, điều trị các ca bệnh cũng như ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Đặc biệt, bảo đảm tốt công tác tiêm chủng mở rộng và tổ chức chiến dịch phun hóa chất tại các vùng trọng điểm; đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát vệ sinh môi trường.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH và các dịch bệnh mùa hè trên địa bàn tỉnh năm 2018 vừa diễn ra, đồng chí Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, ngành Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là phải thay đổi phương thức truyền thông một cách sâu rộng ở từng địa phương. Công tác dự phòng cần hướng đến việc nâng cao nhận thức làm thay đổi hành vi của người dân về thực hành phòng bệnh.
Đồng chí Trần Thanh Đức nhấn mạnh, để phòng, chống dịch bệnh mùa hè có hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, mỗi người dân cần tích cực tham gia bằng những hành động, việc làm thiết thực, nhất là thực hiện đầy đủ việc tiêm chủng cho con em.
Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ những khuyến cáo của ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh. Khi bản thân và người thân trong gia đình nghi bị bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
P. MAI