Phổ cập bơi cho học sinh: còn đó nhiều khó khăn
Để giải quyết bài toán đuối nước ở trẻ em ngày càng gia tăng, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác phổ cập bơi cho học sinh trong các trường học. Tuy nhiên, việc phổ cập bơi cho học sinh hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cần nâng cao hiệu quả công tác phổ cập bơi cho học sinh để góp phần giảm tỷ lệ học sinh tử vong do đuối nước. |
Tháng 10-2017, Phòng GD-ĐT huyện Gò Công Tây trang bị và đưa vào hoạt động hồ bơi di động tại Trường Tiểu học Bình Tân 1. Mục đích hoạt động của hồ bơi này là nhằm phục vụ chương trình phổ cập bơi cho hơn 1.000 học sinh thuộc 3 điểm trường: Tiểu học Bình Tân 1, Tiểu học Bình Tân 2 và THCS Bình Tân.
Thế nhưng, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hồ bơi chỉ khai giảng duy nhất 1 lớp bơi, với 32 học viên. Thầy Lê Minh Huân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Tân 1 cho biết: “Đầu khóa học, trường có họp phụ huynh để phổ biến nội dung và chương trình dạy bơi.
Theo đó, trường đã kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa đóng góp từ phụ huynh mỗi người 200.000 đồng để có kinh phí thay nước hồ bơi cũng như hỗ trợ cho thầy, cô đứng lớp dạy bơi. Tuy nhiên, có rất ít phụ huynh đồng ý nên việc duy trì hoạt động hồ bơi theo đúng mục đích là rất khó”.
Còn ở huyện Gò Công Đông hiện nay chỉ có 2 điểm bơi tư nhân (ở 2 xã Tân Phước và Gia Thuận) và 3 điểm bơi trong các trường: Tiểu học Nguyễn Thị Tư, Tiểu học Kiểng Phước và Tiểu học Phước Trung.
Với số lượng điểm bơi ít nên chưa đủ đáp ứng yêu cầu học bơi của đối tượng là trẻ em, học sinh trên địa bàn. Nhiều gia đình muốn cho con em học bơi phải đi rất xa, đến các điểm bơi ở TX. Gò Công.
Vì không có điều kiện học bơi nên tỷ lệ trẻ em, học sinh biết bơi trên địa bàn huyện hiện vẫn còn thấp. Qua thống kê, toàn huyện có 24.690 trẻ em. Trong đó, có 11.300 học sinh học tại các trường tiểu học và 8.200 em học tại 10 điểm trường THCS nhưng số học sinh biết bơi chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30%.
Trong 5 năm qua, ngành GD-ĐT đầu tư xây dựng được 43 hồ bơi cố định, trong khi toàn tỉnh có tới 388 trường hệ giáo dục phổ thông, với trên 270 ngàn học sinh. Số lượng hồ bơi quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu học bơi quá lớn của học sinh hiện nay.
Theo phân tích của các chuyên gia, trẻ em ở độ tuổi tiểu học từ 6 - 10 tuổi có nguy cơ bị đuối nước rất cao. Mặc dù, ngành GD-ĐT tỉnh đã hết sức cố gắng thực hiện công tác phổ cập bơi nhưng tỷ lệ học sinh ở độ tuổi này biết bơi vẫn còn rất thấp, chỉ có 44.500/133.612 học sinh tiểu học của toàn tỉnh được phổ cập bơi.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Quý Mão, việc phổ cập bơi cho học sinh ở các địa phương trong tỉnh hiện đang gặp phải khó khăn, vì thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hồ bơi và cả đầu tư về con người là giáo viên, nhân viên chuyên môn dạy bơi trong các trường học.
Do đó, để thực hiện công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em, hướng đến mục tiêu tất cả học sinh phải biết bơi và thực hành được một số kỹ năng phòng tránh đuối nước cơ bản, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp nâng chất công tác phổ cập bơi cho học sinh.
Trong đó, ngành sẽ chú trọng công tác tuyên truyền về phòng tránh đuối nước trong học sinh, cán bộ, viên chức và giáo viên trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về thực hành sơ cấp cứu khi xảy ra đuối nước cho học sinh, giáo viên.
Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa về xây dựng các hồ bơi trong trường học, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ cập bơi cho học sinh, nhất là ở những vùng khó khăn.
“Trước mắt ngành GD-ĐT sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ngành có liên quan sớm triển khai mô hình xây dựng 100 hồ bơi di động tại các địa bàn trọng yếu có nguy cơ xảy ra đuối nước với trẻ em, để phục vụ nhu cầu tập luyện, phổ cập bơi cũng như phát triển kỹ năng bơi lội cho trẻ em” - đồng chí Trần Thị Quý Mão cho biết.
ĐỖ PHI