Một bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1
Theo lời kể của người nhà, trước đó ít ngày, bệnh nhân hành nghề lái xe đã chở một đoàn khách du lịch đi Đà Nẵng. Trên chuyến xe đó có một hành khách bị cảm cúm.
Chiều 8-6, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị chống độc – Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, đơn vị này đang điều trị cho một trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân H.Đ.H. đang trong tình trạng nguy kịch và nằm phòng cách ly. |
Bệnh nhân là ông H.Đ.H. (SN 1969, ngụ tỉnh Bình Thuận) được chuyển đến từ Bệnh viện quận Thủ Đức (TPHCM) vào ngày 5-6 trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng. Sau các xét nghiệm, bệnh nhân được xác nhận đã nhiễm cúm A/H1N1 và đang diễn tiến theo chiều hướng nặng, được cách ly.
Theo lời kể của người nhà, trước đó ít ngày, bệnh nhân hành nghề lái xe đã chở một đoàn khách du lịch đi Đà Nẵng. Trên chuyến xe đó có một hành khách bị cảm cúm. Sau khi về nhà, bệnh nhân bị sốt cao, đau nhức cơ thể và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, diễn tiến bệnh ngày càng nặng, khó thở nên được chuyển vào Bệnh viện Quận Thủ Đức. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục có các triệu chứng đi kèm như sốt, ho, khó thở, suy hô hấp, viêm phổi nặng.
Cùng với việc trước đó bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nên Bệnh viện Quận Thủ Đức đã đặt nội khí quản cho bệnh nhân và chuyển lên Khoa Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị chống độc – Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay lập tức, các bác sĩ tại đây tiến hành xét nghiệm sinh học phân tử (PCR), xác nhận bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 và tiến hành cách ly, điều trị.
Do tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp nên bệnh nhân đang được thở máy. Tuy nhiên, sau 3 ngày thở máy bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu khá hơn, tiên lượng dè dặt và có thể sẽ phải thực hiện chạy tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO).
Cũng trong chiều 8-6, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết trước đó, tại quận Thủ Đức cũng ghi nhận trường hợp 1 phụ nữ nội trợ (26 tuổi), thể trạng béo phì đã tử vong ngày 30-5 sau 5 ngày tự điều trị tại nhà. Kết quả xét nghiệm trường hợp này dương tính cúm A/H1N1.
Ngay sau khi nhận được thông tin trường hợp bệnh nhân H.Đ.H., Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM đã phối hợp với Viện Pasteur TPHCM tiến hành điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp giám sát lây nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng.
Kết quả bước đầu ghi nhận cả hai trường hợp nhiễm cúm trên xảy ra trên đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng cao (béo phì, tiểu đường), không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, nguồn lây từ cộng đồng, không phải từ bệnh viện.
Đối với ca bệnh tại TPHCM, qua 8 ngày giám sát, đến nay không phát hiện ca bệnh cúm tại nơi cư ngụ và trong các bệnh viện đã chăm sóc điều trị bệnh nhân này. Thông tin ca bệnh ở Bình Thuận đã được báo cáo cho Viện Pasteur TPHCM để tổ chức giám sát theo quy định.
Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM và Viện Pasteur TPHCM cũng đã thống nhất với các bệnh viện những biện pháp phòng lây nhiễm trong bệnh viện, đồng thời truyền thông phòng chống cúm tại nơi bệnh nhân cư ngụ.
Viện Pasteur TPHCM khuyến cáo người dân, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm như: tiêm chủng vắc xin, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp. Nếu có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc.
|
(Theo sggp.org.vn)