Những vắc xin quan trọng cần tiêm cho trẻ trên một tuổi
Trẻ trên một tuổi cần được tiêm nhắc lại hoặc thêm một số vắc xin, đặc biệt là mũi phòng sởi-rubella, viêm não Nhật Bản.
Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ dưới một tuổi cần tiêm chủng đầy đủ 8 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi.
Trẻ 18 tháng tuổi phải tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 (DPT4) và vắc xin sởi-rubella miễn phí. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ tiêm các mũi vắc xin này chưa cao như vắc xin tiêm chủng cho trẻ dưới một tuổi.
Sau một tuổi, trẻ được tiêm miễn phí vắc xin phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván; sởi-rubella và viêm não Nhật Bản. (Ảnh: H.B). |
Trước một tuổi trẻ còn nhỏ, miễn dịch yếu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì thế, việc tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cho trẻ được cha mẹ tuân thủ khá nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn, một số phụ huynh nghĩ con khỏe hoặc do quên (thời điểm tiêm nhắc lại cách khá xa) mà lơ là không đưa trẻ đi tiêm các mũi vắc xin theo lịch. Thực tế, những mũi tiêm đó cũng không kém phần quan trọng để tiếp tục bảo vệ đứa trẻ phòng bệnh.
Lý giải điều này, tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết với một số vắc xin sau khi tiêm đủ liều cơ bản thì kháng thể có tác dụng bảo vệ trong một thời gian nhất định.
Theo thời gian lượng kháng thể này giảm dần, vì thế trẻ lớn, người lớn vẫn có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Các mũi tiêm nhắc lại rất cần thiết giúp cơ thể duy trì kháng thể bảo vệ lâu dài trước sự tấn công của mầm bệnh. Vì thế các bậc cha mẹ cần lưu ý việc tiêm chủng nhắc lại cho trẻ giúp bảo vệ trẻ tốt nhất.
Chẳng hạn, với vắc xin sởi, sau khi tiêm mũi thứ nhất trước một tuổi còn khoảng 15% số trẻ không có miễn dịch phòng bệnh. Vì thế, trẻ 18 tháng tuổi được tiêm vắc xin sởi - rubella sẽ thêm cơ hội tạo miễn dịch phòng bệnh.
Một vắc xin quan trọng khác cha mẹ cần ghi nhớ là ba mũi vắc xin viêm não Nhật Bản được tiêm cho trẻ 1-5 tuổi. Mùa bệnh viêm não Nhật Bản bắt đầu tháng 5, cao điểm tháng 6-7. Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong và di chứng cao.
Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong, khoảng 30-50% trường hợp trẻ qua khỏi thì bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập. Nguy cơ tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, tuy nhiên trẻ phải được tiêm đủ liều. Nếu chỉ tiêm một mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, tiêm đủ hai mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ ba mũi vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95%.
Hiện nay vắc xin viêm não Nhật Bản được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em tại các trạm y tế xã, phường hàng tháng trên toàn quốc. Cha mẹ lưu ý, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi ba khi trẻ hai tuổi.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chủ động cho trẻ đi tiêm các mũi vắc xin phòng phế cầu, thủy đậu... tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.
Lịch tiêm chủng cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng
(tiêm miễn phí tại trạm y tế xã, phường)
(Theo vietnamnet.vn)