Chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng (TCM) là bệnh rất dễ lây lan và có biến chứng nguy hiểm. Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, ngành Y tế khuyến cáo, mọi người cần hiểu rõ về tình hình, đặc điểm cũng như đường lây truyền, nguy cơ mắc bệnh, các triệu chứng của bệnh TCM để chủ động phòng tránh.
Vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hằng ngày để chủ động phòng bệnh TCM lây lan trong trường học. |
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh TCM được ngành Y tế thực hiện bài bản và đã tránh bùng phát thành dịch. Ở cộng đồng, qua hệ thống giám sát phát hiện và phản hồi, ngành Y tế triển khai các hoạt động xử lý tại hộ gia đình, khi phát hiện có ca mắc bệnh TCM; đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, vệ sinh môi trường thường xuyên.
Tuy nhiên, trước tình hình bệnh TCM hiện đang diễn biến phức tạp, ngoài các hoạt động của ngành Y tế thì vai trò của cộng đồng, nhà trường là rất quan trọng trong việc kiểm soát và phòng tránh bệnh TCM.
Trẻ bị bệnh TCM có nên bôi thuốc sát trùng, giảm đau? Bé M.T.K. (22 tháng tuổi, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành) bị sốt, đau họng, nổi bóng nước ở tay và chân đã 2 ngày. Mẹ bé K. dùng thuốc sát trùng và giảm đau bôi trong miệng và ngoài da cho bé nhưng không khỏi. Bé K. được mẹ đưa vào bệnh viện khám. Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy, bé K. còn sốt, hay giật mình, có nhiều bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và loét miệng nên chẩn đoán là bé mắc bệnh TCM độ II nên phải nhập viện theo dõi. Theo bác sĩ điều trị cho bé K., trong trường hợp trẻ bị bệnh TCM thì không nên bôi các loại thuốc giảm đau, thuốc sát trùng trên da và trong miệng của trẻ, vì không có tác dụng mà có khi lại gây hại thêm cho trẻ. Về chuyên môn, bệnh TCM là bệnh do siêu vi trùng gây ra nên các loại thuốc bôi có tính sát trùng như: Kháng sinh, cồn, thuốc gây tê đều không có tác dụng. Còn thuốc gây tê cục bộ như: Lidocain, Benzocain, Tetracain là các thành phần chính trong các loại kem bôi trong miệng, chỉ có tác dụng làm mất cảm giác đau tạm thời do ức chế sự dẫn truyền thần kinh mà không có tác dụng tiêu diệt siêu vi; ngược lại nó còn có tác dụng phụ có thể gây ra các triệu chứng như: Tê lưỡi, mờ mắt, co giật, dị ứng, rối loạn nhịp tim... |
Tại cộng đồng, nếu trẻ có đi học mà mắc bệnh TCM thì phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác; đồng thời, tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. Quần áo, tã lót của trẻ phải được luộc sôi hoặc ngâm dung dịch cloramin B (0,5%) trước khi giặt sạch.
Trẻ cần được cho ăn chín, uống chín và không dùng chung chén, muỗng. Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. Không để trẻ mút tay và đưa đồ chơi lên miệng.
Người chăm sóc trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
Đồ chơi, sàn nhà phải thường xuyên được vệ sinh bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường hay cloramin B.
Khi thấy trẻ sốt, xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Trường học cũng là môi trường dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh TCM do mật độ tiếp xúc đông, thường xuyên. Do đó, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng ngừa bệnh TCM trong trường học sẽ góp phần đáng kể trong việc tránh bệnh lây lan thành dịch.
Chính vì thế, những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh TCM trong học đường được ngành Giáo dục quan tâm thực hiện nghiêm túc. Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu và cán bộ y tế của các trường đều được tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực phòng, chống và xử lý dịch bệnh trong trường học. Việc phát hiện bệnh ở trẻ còn được hướng dẫn kỹ cho giáo viên các lớp.
Bên cạnh đó, nhà trường còn đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh về các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh TCM. Qua đó, nhà trường và gia đình tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh lây lan.
Tuy nhiên, có một thực tế khó khăn đối với công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng mà nhiều trường đang vấp phải, đó chính là sự hợp tác của phụ huynh. Không ít học sinh mắc bệnh nhưng cha mẹ vẫn đưa đến trường học tập, sinh hoạt cùng các bạn. Bên cạnh đó, một số phụ huynh do tính chất công việc bận rộn nên chưa quan tâm sâu sát đến việc chăm sóc sức khỏe con em mà chủ yếu giao phó cho nhà trường, nhất là các giáo viên quản lý lớp, theo dõi sức khỏe con em mình. Nhiều trường hợp phụ huynh giấu bệnh của con để con không phải nghỉ học. Bởi, các phụ huynh này sợ khi nghỉ học để đủ thời gian cách ly theo quy định thì con em sẽ bị mất bài, học thua bạn bè…
Để ngăn ngừa bệnh TCM lây lan, bùng phát thành dịch, ngành Y tế khuyến cáo, tất cả các trường học cần chủ động thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường bằng cách phun hóa chất cloramin B chuẩn bị cho học sinh nhập học.
Việc khử khuẩn cần được duy trì hằng tuần. Trang bị kiến thức cho giáo viên, phụ huynh và các em học sinh về bệnh, đường lây, triệu chứng và các biện pháp phòng bệnh, cách ly. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh TCM thì cần cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày.
Trẻ chỉ đi học lại khi hết loét miệng và phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trong một lớp bị bệnh trong vòng 7 ngày thì phải cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng. Nhà trường và nhất là các giáo viên quản lý lớp khi phát hiện trẻ sốt, loét miệng, phỏng nước trên da là phải báo ngay cho cha mẹ đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế.
Thực hành tốt vệ sinh cá nhân cho nhân viên và trẻ; đồng thời, làm sạch dụng cụ, vật dụng, nhà vệ sinh bằng nước và xà phòng, sau đó lau bằng cloramin B (0,5%) hằng ngày. Lưu ý là các biện pháp vệ sinh cá nhân phải được thực hiện theo thường quy để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm lây truyền theo đường tiêu hóa và bệnh TCM ngay khi không có bệnh.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, tại gia đình phải thực hiện vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hằng tuần khu vực sinh hoạt của trẻ, dụng cụ và đồ chơi của trẻ bằng hóa chất có tác dụng diệt khuẩn. Hiện tại, vẫn dùng cloramin B (0,5%) để khử trùng, phòng bệnh TCM.
MAI HÀ