.

Phòng ngừa bùng phát bệnh tay chân miệng

Cập nhật: 20:13, 02/07/2018 (GMT+7)

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do vi rút đường ruột (Enterovirus) gây ra. Thời điểm hiện nay, Bệnh TCM đang vào mùa và dễ gây thành dịch lớn.

Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh TCM tấn công.
Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh TCM tấn công.

BỆNH TẤN CÔNG TRẺ EM

Vi rút gây bệnh TCM có khả năng tồn tại trong các loại đồ ăn, thức uống, trên sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng sinh hoạt hằng ngày...

Vi rút tấn công trẻ thông qua đường tiêu hóa. Thời điểm bắt đầu lây truyền của vi rút là vài ngày trước khi phát bệnh, mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó, thậm chí sau khi bệnh nhân đã hết triệu chứng.

Nguyên nhân là do vi rút gây bệnh TCM có khả năng đào thải qua phân người đến 12 tuần sau khi nhiễm và qua dịch tiết từ hầu họng đến 4 tuần.

2 tác nhân gây bệnh TCM thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính của bệnh TCM là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng mụn nước ở các vị trí đặc biệt như: Niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, tay.

Bệnh TCM có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh TCM xảy ra rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc.

Tại Tiền Giang, bệnh có xu hướng tăng cao vào mùa hè và giai đoạn chuyển mùa. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Việc sinh hoạt tập thể như: Trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo hay đến các nơi vui chơi đông đúc... là các yếu tố nguy cơ lây truyền thành dịch bệnh, đặc biệt là trong các đợt bệnh bùng phát.

Tiền Giang thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Ngày 28-6, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1777 về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở hợp nhất các trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Da Liễu và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là đơn vị sự nghiệp y tế công lập, có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Y tế; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn gồm: Phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác.

TUẤN ANH

Bệnh TCM được phân chia thành 4 độ (từ nhẹ đến rất nặng); đồng thời, diễn biến của bệnh trải qua 4 giai đoạn: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh.

Trong giai đoạn toàn phát, bệnh nhân sẽ có biểu hiện rõ nhất của những đặc điểm của bệnh: Loét miệng (vết loét đỏ hay mụn nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi), phát ban dạng mụn nước (lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở đầu gối, mông, tay), sốt, nôn ói, đau miệng, giật mình...

Theo ghi nhận của các bác sĩ và một vài nghiên cứu, những bệnh nhi có sốt cao và nôn ói nhiều dễ có nguy cơ biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp có thể dẫn đến tử vong.

Trên thực tế, đôi khi lúc ban đầu, bác sĩ tiếp nhận những bệnh nhi bị TCM có thể khám sẽ không thấy có triệu chứng điển hình của bệnh hoặc sẽ diễn tiến ở thể lâm sàng tối cấp, rất nhanh có các biến chứng nặng như: Suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24 - 48 giờ.

Đối với những trẻ được chẩn đoán là bệnh TCM độ 1, thì có thể cho trẻ điều trị ngoại trú tại nhà và tái khám mỗi 24 - 48 giờ trong vòng 8 - 10 ngày đầu của bệnh. Riêng trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

Phụ huynh lưu ý phải dẫn trẻ tái khám ngay khi có những dấu hiệu như: Sốt cao ≥ 390C, thở nhanh, khó thở, giật mình, lừ đừ, run tay chân, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn ói nhiều, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh, co giật, hôn mê.

NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH

Hiện nay, trên thế giới, bệnh TCM chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để giảm thiểu tác động của bệnh TCM đến sức khỏe, tính mạng của trẻ, thì các bậc phụ huynh và trẻ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và lây lan ra cộng đồng.

Trước hết, thực hiện chế độ rửa tay. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt rửa tay trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.

Chế độ ăn chín, uống chín phải được tuân thủ. Vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Chú ý là không nhai mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn...

Bên cạnh đó, bảo đảm nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày phải sạch. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% cũng như các dung dịch khử khuẩn khác.

Thực hiện chế độ cách ly, không cho bệnh nhi mắc bệnh TCM đến nhà trẻ, trường học, các nơi vui chơi đông đúc trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh và không cho trẻ khỏe mạnh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Vệ sinh chất thải, che miệng và mũi mỗi khi ho hay hắt hơi. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân cùng các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM thì nên đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

ThS. BS ĐỖ QUANG THÀNH

.
.
.