Chủ Nhật, 05/08/2018, 14:41 (GMT+7)
.

10 sai lầm trong nhà bếp chúng ta hay mắc phải

Các thói quen bảo quản, chế biến thực phẩm sai cách không chỉ làm mất hết những chất dinh dưỡng mà còn gây ra tác hại không hề nhỏ cho sức khỏe. Dưới đây là 10 sai lầm chúng ta nên tránh:

Rửa rau bằng nước muối: Theo một số thí nghiệm cho thấy, nước muối loãng không có tác dụng loại bỏ các dư lượng bảo vệ thực vật hoặc tác động gì đến trứng giun và các vi khuẩn gây bệnh. Cách rửa rau tốt nhất là rửa dưới vòi nước đang chảy. Sau đó rửa lại thêm nhiều lần, vớt ra và vẩy ráo trước khi ăn.

Làm đông thực phẩm nhiều lần trong tủ lạnh: Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là cách kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể giết chết vi khuẩn.

Thực phẩm được đưa ra ngoài tủ lạnh (rã đông) tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tái sinh sôi. Nếu cấp đông trở lại, có thể khiến lượng vi khuẩn tăng lên gấp đôi, gây ngộ độc cấp tính và các bệnh lý khác cho cơ thể.

Sử dụng dầu ăn sai cách: Nhiệt độ trên 180°C, các axit béo trong dầu bị rối loạn cấu trúc tế bào hoặc tạo thành các amin sinh vật, dẫn đến nguy cơ ung thư.

Chúng ta có thể kiểm tra nhiệt độ dầu phù hợp bằng cách cho đũa vào dầu, khi nổi lên các bong bóng nhỏ xung quanh đũa thì có thể chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, không nên dùng dầu đã nấu nhiều lần sẽ gây tình trạng khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy. 

Rã đông thịt bằng lò vi sóng: Cách này chỉ khiến cho bề mặt ngoài mềm ra, nhưng thực ra phần bên trong vẫn chưa được rã đông hoàn toàn. Thực phẩm nửa chín nửa sống tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn tấn công nếu không được chế biến ngay. Tốt nhất là nên rã đông ngay trong ngăn mát của tủ lạnh, hoặc cho thực phẩm vào túi bóng và ngâm vào nước.

Cho tiêu vào thức ăn đang nấu: Hạt tiêu để ở nhiệt độ cao sẽ mất mùi thơm và biến thành các độc tố nguy hiểm cho cơ thể. Đối với các món hầm, tiềm, hãy sử dụng hạt tiêu tươi; với những món ăn thông thường, hãy bỏ tiêu vào công đoạn cuối cùng khi thức ăn đã chín hoàn toàn.

Hâm thức ăn nhiều lần: Chúng ta vẫn thường có thói quen giữ lại thức ăn thừa và hâm lại vào ngày hôm sau. Việc hâm lại thức ăn khiến các vitamin bị phân hủy, thức ăn sẽ không còn nhiều giá trị dinh dưỡng.

Nếm thử thức ăn để kiểm tra ôi thiu: Nếu bạn sử dụng cách nếm để thử độ ôi thiu, thì hãy dừng ngay việc này lại. Chỉ một lượng thực phẩm này có thể khiến cơ thể bị ngộ độc. Có rất nhiều cách để kiểm tra thức ăn còn sử dụng được nữa không: thức ăn thay đổi màu sắc, có váng vàng/trắng, nổi bong bóng, rau củ quả mềm nhũn, ngửi thấy mùi lạ, mùi hôi…

Thêm dầu vào khi luộc mì/hủ tiếu: Việc này vô tình làm tăng lượng chất béo, làm tăng lượng calo không cần thiết, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt đối với người bệnh tim mạch, huyết áp. Để tránh mì/hủ tiếu kết dính, hãy giữ nước sôi liên tục và khuấy thường xuyên cho đến lúc chúng chín hoàn toàn.

Làm nguội trứng bằng nước lạnh: Trứng luộc ngâm vào nước lạnh giúp bóc vỏ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nước lạnh chứa nhiều vi khuẩn có hại, trong khi trứng chín thì phần vỏ sẽ không còn tác dụng ngăn chặn vi khuẩn nữa. Cách tốt nhất là để trứng nguội tự nhiên trước khi tiến hành bóc bỏ trứng.

Không rửa nồi khi chế biến món khác: Khi gặp nhiệt độ cao, các vụn thức ăn thừa còn lại ở món trước sẽ sinh ra các chất gây ung thư như benzopyrenne. Vì vậy, các bà nội trợ nên rửa sạch nồi khi chế biến món ăn khác nhau, vừa tránh việc tạo ra các chất độc hại vừa giữ được mùi vị đặc trưng của món ăn.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.