Thứ Năm, 30/08/2018, 14:18 (GMT+7)
.

Đau nhức xương, khớp và hậu quả lạm dụng corticoid

Đau nhức xương, khớp là hiện tượng phổ biến ở người cao tuổi. Việc sử dụng thuốc không đúng cách sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, trong đó phổ biến là lạm dụng corticoid. Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân đến nhập viện với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm do dùng corticoid kéo dài.

Đau nhức xương, khớp là chứng bệnh thường gặp làm ảnh hưởng lớn  tới sức khỏe và sinh hoạt của người cao tuổi. 		         Ảnh: HẠNH NGA
Đau nhức xương, khớp là chứng bệnh thường gặp làm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của người cao tuổi. Ảnh: HẠNH NGA

NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU NHỨC XƯƠNG, KHỚP

Thoái hóa khớp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đau nhức xương, khớp ở người cao tuổi. Người cao tuổi có quá trình phá hủy sụn nhiều hơn là tái tạo. Cùng với chất lượng dịch khớp suy giảm là việc không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho sụn và xương sẽ làm cho quá trình thoái hóa, hư hại càng diễn ra nhanh hơn.

Hậu quả là khi khớp cử động, 2 đầu xương sẽ va vào nhau mà không được đệm đỡ bởi dịch khớp và lớp sụn nên gây ra các cơn đau nhức. Các cơn đau nhức có thể xảy ra ở bất kỳ các khớp nào, từ khớp cổ tay cho đến bàn tay, gối, cột sống...

Sự thoái hóa các đốt sống kéo theo thoát vị đĩa đệm làm chèn ép tủy sống và rễ thần kinh gây ra các cơn đau nghiêm trọng, thậm chí làm teo cơ và yếu liệt chi.

Việc nằm ngủ sai tư thế, lao động nặng, vận động quá sức hoặc thay đổi tư thế đột ngột cũng có thể gây đau nhức xương, khớp. Đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa lạnh, các gân, cơ thường bị co rút, dịch khớp cũng cô đặc lại khiến việc cử động của người cao tuổi càng trở nên khó khăn.

Các va chạm chấn thương ở khớp dù nhẹ lúc còn trẻ tuổi đều tăng nguy cơ bị viêm khớp, đau khớp khi bước vào tuổi trung niên. Quá trình này làm cho sụn khớp và xương dưới sụn bị hư tổn, gây đau nhức khi vận động...

Ở người trẻ, bộ máy vận động của họ hoạt động trơn tru, hoàn hảo. Nhưng sau tuổi 30, hệ cơ, xương, khớp của con người bắt đầu thoái hóa. Theo quy luật lão hóa tự nhiên, khi tuổi tác càng cao thì các cơ quan trong cơ thể bắt đầu suy giảm hoạt động càng nhiều.

Do đó, ở người cao tuổi, bệnh đau nhức xương, khớp càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng đến vận động cũng như chất lượng cuộc sống.

Điều đáng chú ý là người cao tuổi thường hay mắc đồng thời nhiều bệnh khác nhau như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, parkinson... làm bệnh nhân rất dễ bị ngã với hậu quả là gãy xương, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, phát hiện sớm các bệnh xương, khớp ở người cao tuổi là việc rất quan trọng.

HẬU QUẢ LẠM DỤNG CORTICOID

Hiện nay, khi bị đau nhức xương, khớp, nhiều người cao tuổi vẫn thường dựa vào các phương pháp chữa đau nhức dân gian như: Chườm nóng, bôi dầu, xoa bóp, bấm huyệt, uống thuốc đông y...

Bên cạnh đó, nhiều người bị đau nhức còn quen dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm tác dụng nhanh, mạnh để giải quyết cơn đau. Những cách này thường chỉ tạo cảm giác bớt đau ở thời điểm áp dụng mà không điều trị được bệnh.

Đặc biệt, tình trạng tự ý lạm dụng các loại thuốc glucocorticoid (thường gọi tắt là corticoid) để chữa trị đau nhức của người cao tuổi cũng đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều dạng khác nhau như: Thuốc gia truyền, thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tán, thuốc tễ, thuốc tây, thuốc tiêm…

Nhóm corticoid nếu được sử dụng đúng sẽ là “thần dược” đặc biệt trong điều trị để chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng để điều trị các bệnh thông thường hoặc sử dụng không đúng liều chỉ định sẽ dẫn đến các hậu quả khôn lường. Do đó, corticoid thường được xem là “con dao hai lưỡi” trong điều trị đau nhức xương, khớp.

Đối với người cao tuổi thường có nhiều bệnh kèm theo như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, loét dạ dày - tá tràng... Nếu lạm dụng corticoid thì đường huyết, huyết áp khó kiểm soát và tình trạng viêm loét dạ dày sẽ nặng hơn; đồng thời, khi có bệnh thì dễ diễn tiến nặng và việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Thực tế, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân đến nhập viện với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm do dùng corticod kéo dài như: Suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội.

Ngoài ra, nếu corticoid được dùng liên tục hơn 15 ngày và bị dừng đột ngột thì có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm với các biểu hiện như: Tụt huyết áp, trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải, xuất huyết tiêu hóa…

Không chỉ có các tai biến do độc tính của thuốc mà việc lạm dụng corticoid không đúng chỉ định còn có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc, khiến bệnh thường bùng lên mạnh mẽ mỗi khi hết thuốc.

Hiện nay, do thuốc corticoid ở nước ta được bán tự do, tràn lan, không cần kê đơn, chỉ định của bác sĩ và có thể mua dễ dàng nên việc lạm dụng corticoid của người dân, nhất là ở người cao tuổi diễn ra khá phổ biến. Điều này sẽ rất gây hại cho sức khỏe người dùng.

BS CKII LÊ THÚY PHƯỢNG

.
.
.