Chủ Nhật, 19/08/2018, 17:26 (GMT+7)
.

Nhiễm virus HIV: Nguy hiểm, nhưng không "chấm hết"

Sự việc 42 người dân ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị nhiễm HIV chưa rõ nguyên nhân đang gây xôn xao dư luận và hoang mang cho nhiều người. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, dù HIV/AIDS là bệnh nguy hiểm nhưng bị HIV không phải là “chấm hết”.

Người nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV đúng phác đồ để phục hồi sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm
Người nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV đúng phác đồ để phục hồi sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm

Với các loại thuốc kháng virus ARV và phương pháp điều trị hiện đại, người nhiễm HIV vẫn có thể có cuộc sống bình thường.

Cần hiểu rõ về đường lây

Là một trong những bác sĩ thường xuyên tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có không ít trường hợp bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ có 3 đường lây truyền HIV chủ yếu: qua đường máu (tiêm chích); quan hệ tình dục không an toàn; truyền từ mẹ sang con.

Trong đó, lây truyền HIV qua con đường tiêm chích ma túy do dùng chung bơm kim tiêm là hình thái lây truyền chủ yếu trong đại dịch HIV/AIDS, ước tính có 80% - 90% trường hợp nhiễm do đường truyền này. Với những bơm kim tiêm đã sử dụng có dính máu vứt ngoài môi trường, nếu ai đó không may bị giẫm vào thì xác suất nhiễm HIV thấp hơn.

Xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh. Hơn nữa, virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường, còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được. Cùng với đó, việc lây nhiễm có thể do tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV mà vùng da tiếp xúc đó bị tổn thương, do truyền máu của người bị nhiễm HIV hoặc trong giai đoạn cửa sổ. 

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, có khá nhiều bệnh nhân HIV đang trong độ tuổi sinh sản, họ mong muốn có đời sống tình dục và có con. Đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện được nếu người bệnh tuân thủ chỉ định và hướng dẫn điều trị của thầy thuốc. Họ sẽ không lây bệnh cho vợ hoặc chồng của mình, trong khi đó vẫn có thể có được những đứa con mạnh khỏe.

Đối với việc lây nhiễm HIV qua đường tình dục, có thể do quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người nhiễm HIV mà da, niêm mạc vùng tiếp xúc đó không lành lặn.

Còn lây truyền từ mẹ sang con xảy ra khi người mẹ nhiễm HIV (khi mang thai, khi sinh và qua sữa mẹ khi người mẹ nhiễm HIV cho con bú).

PGS-TS Đỗ Duy Cường cũng nhấn mạnh, HIV hoàn toàn không lây qua nước mắt, nước bọt hay các tiếp xúc thông thường như: ăn uống chung hay sinh hoạt chung, học chung với người nhiễm HIV. Do đó, những người không có những hành vi nguy cơ như trên thì không nhất thiết phải lo lắng và cũng không cần phải làm xét nghiệm HIV. 

Hoàn toàn sống khỏe mạnh

Mặc dù tới nay HIV vẫn là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có thuốc chữa khỏi, chưa có vaccine phòng tránh, nhưng nếu ai đó không may bị nhiễm HIV thì cũng không phải là dấu chấm hết với cuộc đời. Việt Nam đang có hơn 130.000 bệnh nhân HIV được điều trị bằng thuốc ARV.

Với việc số người được tiếp cận với thuốc ARV tăng nhanh, hiệu quả điều trị tại Việt Nam trong 10 năm qua đã giúp khoảng 150.000 người nhiễm HIV thoát khỏi tử vong và dự phòng cho khoảng 450.000 người không nhiễm HIV.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết trước đây HIV được gọi là “căn bệnh thế kỷ”, nếu nhiễm HIV thì coi như mang “án tử” nên không ít người khi biết mình bị HIV đã tự tử hoặc có hành động quá khích như: trả thù người lây nhiễm cho mình, trả thù cộng đồng, trả thù đời...

Hiện nay, với các loại thuốc và phương pháp điều trị hiện đại, HIV không còn là “án tử” nữa, người nhiễm HIV vẫn có thể có cuộc sống như bình thường và khỏe mạnh.

Thực tế đã chứng minh rõ ràng, người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12-1990 là một phụ nữ 30 tuổi. Đến nay sau gần 30 năm, người phụ nữ này vẫn sống khỏe mạnh do dùng thuốc kháng virus ARV đều đặn và có cuộc sống tích cực, lạc quan.

Cùng với đó, còn nhiều trường hợp người nhiễm HIV khác ở nước ta vượt qua được sự mặc cảm về bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống, làm được nhiều công việc đóng góp cho xã hội. “HIV không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ. Cái đáng sợ nằm ở sự thiếu hiểu biết về HIV và thái độ khi đối diện với nó, cũng như thái độ của cộng đồng với người bệnh”, ông Cảnh chia sẻ.

Đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết thêm, nếu người bị nhiễm HIV được xác định sớm và điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc kháng virus ARV thì sau 3 tháng nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm sẽ bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp. Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm đến mức khi cho bệnh nhân làm xét nghiệm đo tải lượng HIV thì không còn phát hiện nữa.

Như vậy, người bệnh đã khỏe mạnh giống như người không bị nhiễm HIV và không còn lây nhiễm HIV cho người khác. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, người dân và cộng đồng cần hiểu đúng về HIV để không có tâm lý hoang mang và kỳ thị với người bệnh, vì nhiều khi sự kỳ thị có thể giết một người còn nhanh hơn cả virus HIV.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.