.

Sự nguy hiểm của chứng rối loạn lo âu bệnh lý

Cập nhật: 22:32, 30/08/2018 (GMT+7)

Trong bài viết trên trang tin Channel News Asia của Singapore mới đây, nghiên cứu sinh tâm lý học Olivia Remes ở Đại học Cambridge (Anh) cảnh báo rối loạn lo âu là một trong những vấn đề tâm thần phổ biến nhất hiện nay, có thể “bào mòn” sức khỏe hơn cả bệnh tiểu đường và ung thư. Người bệnh thường ngại nói lên suy nghĩ của mình và nhìn nhận mọi việc đều rất tồi tệ.

Chia sẻ tâm tư với người đáng tin cậy là cách hữu hiệu để kiểm soát chứng rối loạn lo âu. Ảnh: Anxiety Report
Chia sẻ tâm tư với người đáng tin cậy là cách hữu hiệu để kiểm soát chứng rối loạn lo âu. Ảnh: Anxiety Report

Theo thống kê, cứ 100 người thì có 4 người bị rối loạn lo âu, phụ nữ và người dưới 39 tuổi là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Chỉ riêng tại Mỹ, rối loạn lo âu khiến hệ thống chăm sóc y tế và các công ty tổn thất hơn 42 tỉ USD mỗi năm, mà nếu không được chữa trị, bệnh nhân có thể bị trầm cảm, lạm dụng chất và tự tử.

Phân biệt lo âu thông thường và lo âu bệnh lý

Theo chuyên gia Remes, rối loạn lo âu khác với lo âu thông thường - tâm trạng mà ai c

ũng đều trải qua. Theo đó, lo âu thông thường là cảm giác thúc đẩy bạn hành động và bảo vệ bản thân. Thí dụ, cảm giác lo lắng khiến bạn cảm thấy có động lực hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, hoặc khẩn trương giúp đỡ khi phát hiện ai đó gặp tai nạn.

Tuy nhiên, nếu cảm giác lo âu xuất hiện ngay cả trong những tình huống không tạo ra mối đe dọa thực sự, thì có thể bạn bị bệnh rối loạn lo âu.

Rối loạn lo âu có nhiều loại khác nhau, trong đó, rối loạn hoảng sợ (panic disorder) và rối loạn lo âu lan tỏa (generalised anxiety disorder) là 2 dạng phổ biến nhất.

Ở dạng thứ nhất, bệnh nhân cảm nhận mối lo âu dữ dội phát sinh từ sự chán nản – tim bắt đầu đập nhanh, thấy chóng mặt và hụt hơi, tưởng chừng như sắp lên cơn đau tim hoặc chết.

Còn ở dạng thứ hai, người bệnh thường lo lắng về mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống và rất khó chuyển sự chú ý vào những thứ khác.

Nỗi lo này có thể xâm chiếm tâm trí đến nỗi người ta muốn bỏ học, bỏ làm hoặc bỏ lỡ các sự kiện trọng đại trong đời.

Đáng lo ngại là tuy không biểu hiện hay để lại bất kỳ vết thương nào trên cơ thể, nhưng rối loạn lo âu có thể làm suy yếu sức khỏe của bệnh nhân hơn cả một số căn bệnh nghiêm trọng như ung thư và tiểu đường.

Bệnh có thể chữa trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức, song phương pháp này không sẵn có cho mọi bệnh nhân, trong khi những người điều trị bằng thuốc vẫn có nguy cơ tái phát bệnh. 

Mặc dù vậy, chuyên gia Remes cho biết những người bị lo âu bệnh lý vẫn có thể cải thiện bệnh tình bằng cách áp dụng một số phương pháp đơn giản đã được khoa học chứng minh hiệu quả, như sau:

+ Ngừng đánh giá bản thân. Nhìn chung, người bị rối loạn lo âu có xu hướng suy nghĩ mọi việc đều sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu, nên thường “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói để không khiến người khác khó chịu hoặc bị ảnh hưởng. 

Lời khuyên cho bệnh nhân là thay vì cố kiểm soát lời nói hoặc hành động của bản thân, hãy tập chia sẻ với người mà mình cảm thấy dễ chịu và an toàn nhất, sau đó mở rộng đối tượng trò chuyện.

+ Sống cho hiện tại. Bất cứ khi nào xuất hiện những suy nghĩ gây lo lắng, hãy tập trung năng lượng vào những việc đang làm, như cảm nhận hương vị của ly đồ uống đang còn ấm.

Một khi chìm đắm trong khoảnh khắc hiện tại, cơ thể sẽ thư giãn và tâm trí trở nên yên bình. Nhiều nghiên cứu cho thấy cách thiền chánh niệm này giúp giảm lo lắng.

+ Học cách thua cuộc. Để bảo vệ sức khỏe tâm thần, học cách thua cuộc cũng rất quan trọng. Bởi khi ngừng suy nghĩ về những tình huống không thể thay đổi được, tâm trí sẽ tự động chuyển hướng sang những khả năng khác ở tương lai. Điều này giúp người bệnh phấn chấn trở lại và có thêm động lực.

(Theo Channel News Asia)

.
.
.