.

Năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine 5 trong 1

Cập nhật: 21:54, 24/09/2018 (GMT+7)

Dự kiến trong hai năm nữa, Việt Nam sẽ sản xuất thành công vaccine 5 trong 1 để tự chủ trong nguồn cung ứng vaccine phối hợp với giá thành rẻ.

Sau ComBE Five sẽ là vaccine 5 trong 1 made in Vietnam?

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi vaccine 5 trong 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ Quinvaxem sang ComBE Five. Việc thay đổi này ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý các ông bố, bà mẹ.

Tuy nhiên, thực tế đã được các chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh, do công ty sản xuất Quinvaxem ngừng sản xuất và ComBE Five được lựa chọn thay thế đã được kiểm định và bảo đảm an toàn tiêm chủng như vaccine Quinvaxem.

Việt Nam cũng từng trải qua cơn khủng hoảng khan hiếm vaccine 6 trong 1 Pentaxim do thay đổi nhà cung cấp khiến nhiều trẻ bị tiêm ngắt quãng, nhà nhà phải xếp hàng chờ đợi.

Việc phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp vaccine từ nước ngoài khiến Việt Nam có lúc rơi vào tình huống thiếu chủ động. Vì thế, Việt Nam vẫn đang tìm con đường đi riêng của mình, bằng việc nghiên cứu sản xuất vaccine 5 trong 1 vừa an toàn, vừa có giá thành rẻ.

Mới đây, tại hội thảo “Triển vọng nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh cho người ở Việt Nam” do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hai năm nữa, Việt Nam sẽ tự sản xuất được vaccine 5 trong 1 (gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib). Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu vaccine này trên động vật và chuẩn bị phối trộn.

Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1, sản xuất vaccine phối hợp là một công nghệ khó và các công ty sản xuất vaccine lớn trên thế giới không dễ dàng chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất nhỏ.

Do đó, những nước có nền sản xuất vaccine nhỏ như Việt Nam phải tự mày mò trên các nghiên cứu và ứng dụng của nước mình để ra vaccine phối hợp. “Quan trọng nhất ở bước đầu tiên là từng cơ sở sản xuất vaccine trong nước phải sản xuất từng thành phần trong vaccine phối hợp. Khi đạt được thành công sản xuất vaccine từng thành phần, sẽ là tiền đề để phối hợp các vaccine này thành vaccine 5 trong 1”, ông Đạt cho hay.

Tiền đề để Việt Nam tự tin sản xuất vaccine 5 trong 1 là thời gian vừa qua, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phức tạp Hib bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh về đường hô hấp, viêm màng não mủ do vi khuẩn hib. Đây được coi là một loại vaccine phức tạp nhất, qua nhiều khâu tinh chế.

Hiện vaccine này được chọn là một trong các sản phẩm nằm trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Ông Đạt hy vọng, khi kết thúc chương trình này, vaccine Hib dạng đơn sẽ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Năm 2019 sẽ có thêm ba vaccine mới made in Vietnam

Hiện Việt Nam là một trong số ít nước ở khu vực có khả năng sản xuất vaccine phòng bệnh cho người. Với sự đầu tư mạnh mẽ, cùng với đội ngũ các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, hiện Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vaccine phòng bệnh lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella…, trong đó có 8 vaccine đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

GS.TSKH Nguyễn Thu Vân cho biết, với những thành tựu trong sản xuất vaccine được thế giới ghi nhận, Việt Nam đã có thể xuất khẩu sang Ấn Độ vaccine viêm não, xuất khẩu sang một số nước vaccine viêm gan A, vaccine tả…

Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vaccine 2 trong 1 (vaccine sởi – rubella) trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Thành tựu này ghi thêm dấu ấn cho Việt Nam là một trong 25 quốc gia trên thế giới sản xuất được vaccine và là nước thứ tư tại châu Á sản xuất được vaccine phối hợp sởi – rubella.

Năm 2018, Vaccine MR kết hợp sởi - rubella do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) Việt Nam sản xuất đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng, thay thế cho loại vaccine sởi- rubella nhập khẩu lâu nay.

POLYVAC hiện đang chuẩn bị hồ sơ thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới để vaccine này có thể xuất khẩu và hiện đã có một số quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc… đặt hàng nhập khẩu vaccine MR.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm nay và năm 2019, sẽ có thêm ba loại vaccine là vaccine phòng cúm mùa, vaccine viêm não Nhật Bản tế bào và vaccine bại liệt bất hoạt của Việt Nam được đưa vào sử dụng. Hiện ba loại vaccine này đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép lưu hành.

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học- Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, đến nay có 22 dự án, trong đó có 15 dự án khoa học và công nghệ (đang triển khai 9 dự án) và 7 dự án đầu tư (chưa có kinh phí triển khai) về sản phẩm vaccine phòng bệnh cho người.

Trong số 9 dự án khoa học và công nghệ đang triển khai thực hiện, có nhiều dự án đã đạt được kết quả bước đầu như: Dự án Nghiên cứu phát triển sản phẩm vaccine viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero, Nghiên cứu phát triển sản phẩm vaccine Hib cộng hợp, Nghiên cứu phát triển sản phẩm vaccine bại liệt bất hoạt, Nghiên cứu phát triển sản phẩm vaccine cúm mùa...

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, để tự chủ trong cung ứng vaccine, Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu các sản phẩm phòng bệnh. Các loại vaccine phòng bệnh cho người sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đề ra của Chính phủ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được 12 loại vaccine và đến năm 2030 sẽ sản xuất được 14 loại vaccine để sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

(Theo nhandan.com.vn)

 

.
.
.