.

Nhật Bản bào chế được vắc xin ngừa đột quỵ

Cập nhật: 21:23, 08/11/2018 (GMT+7)

Các nhà khoa học Nhật Bản đã bào chế thành công vắc xin S100A9 ngừa đột quỵ và các bệnh tim mạch không gây ra các phản ứng tự miễn dịch, không làm tăng nguy cơ chảy máu, mang lại sự tiện lợi cho bệnh nhân và giúp cứu sống nhiều sinh mạng.

Vắc xin S100A9 có hiệu quả tương tự như thuốc chống đông máu, nhưng có tác dụng lâu dài.
Vắc xin S100A9 có hiệu quả tương tự như thuốc chống đông máu, nhưng có tác dụng lâu dài.

Theo Hi-news, sự hình thành cục máu đông là nguyên nhân gây ra các bệnh khác nhau (và thường gây tử vong). Tất nhiên, hiện đã có các loại thuốc điều trị cục máu đông, nhưng việc dùng liên tục gây ra hậu quả rất khó chịu là phát triển chứng chảy máu.

Một loại vắc xin vừa được các nhà khoa học ở Đại học Osaka (Nhật Bản) phát triển có thể giúp giải quyết vấn đề. Vắc xin có thể hoạt động không chỉ như một biện pháp phòng ngừa bệnh, mà còn là một phương tiện để bảo vệ chống bệnh tái phát.

Loại vắc xin mới này có tên S100A9 và được thử nghiệm thành công nhiều lần trên chuột. Hóa ra, S100A9 bảo vệ chống lại cục máu đông liên tục trong hơn 2 tháng kể từ thời điểm tiêm chủng.

Ngoài ra, vắc xin không gây ra các phản ứng tự miễn dịch và không làm tăng nguy cơ chảy máu. Theo tiến sĩ Hironori Nakagami, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu thì thời hạn tác động dài như vậy thực sự là một bước đột phá vì: “nhiều bệnh nhân bị đột quỵ cần uống thuốc hàng ngày, nhưng đôi khi họ quên hoặc mệt mỏi vì làm điều đó. Như vậy, sẽ tạo điều kiện để đột quỵ tái phát. Vắc xin của chúng tôi giúp khắc phục tình trạng đó”.

Trong các thí nghiệm, vắc xin S100A9 được so sánh với clopidogrel, một trong những loại thuốc phổ biến nhất để ngăn ngừa sự hình thành huyết khối. Hóa ra, vắc xin S100A9 có hiệu quả tương tự như thuốc chống đông máu. Nhưng các nhà khoa học cũng thận trọng về tương lai của sự phát triển của họ.

Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu với hy vọng tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đầy đủ. Vì điều quan trọng là phải hiểu rằng giữa con người và chuột thí nghiệm có rất nhiều sự khác biệt trong hoạt động của cơ thể.

(Theo khoahoc.tv)

.
.
.