Thứ Năm, 20/12/2018, 22:03 (GMT+7)
.

Phòng chống bệnh không lây nhiễm: Cần sự phối hợp liên ngành

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 70% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66%.

Thực trạng đáng báo động này hơn bao giờ hết cần sự chung tay vào cuộc của nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan để giảm gánh nặng bệnh không lây nhiễm gây ra.

Đo huyết áp cho người dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Đo huyết áp cho người dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Mối lo ngày càng tăng

Theo thống kê, số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất lớn và ngày càng gia tăng.

Ước tính của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 12,5 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp; trên 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường; trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư…

Các bệnh không lây nhiễm đang trở thành mối lo về sức khỏe và tài chính với nhiều gia đình khi gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm, điều trị, theo dõi lâu dài.

Trong đó, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế và mất sức lao động mỗi năm.

Bệnh đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở cả nam và nữ giới, gây các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.

Vấn đề tiêu thụ muối của Việt Nam cũng rất đáng lo ngại vì ăn nhiều muối có nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo một người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối/người/ngày, nhưng ở Việt Nam, con số này là 9,5g muối/người/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...

Liên ngành cần vào cuộc

Theo đánh giá của Bộ Y tế, để dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm, giải pháp hàng đầu là phải phòng chống các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Thời gian qua, công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm của Việt Nam đã bước đầu được quan tâm đầu tư và đạt được kết quả quan trọng góp phần giảm bớt tàn tật và tử vong do một số bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, để phòng chống sự gia tăng bệnh tật và giảm gánh nặng cho kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra, một mình ngành y tế không thể giải quyết được, mà hơn bao giờ hết cần tăng cường sự cam kết, vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan.

Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025 chỉ rõ: Phòng chống các bệnh không lây nhiễm là trách nhiệm của các cấp, các ngành và trách nhiệm của mỗi người dân, trong đó các cấp chính quyền trực tiếp chỉ đạo, nòng cốt là ngành y tế.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm, mà khó khăn đầu tiên do thiếu sự phối hợp liên ngành.

Nhiều nơi vẫn coi nhiệm vụ phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm “mặc nhiên” do ngành y tế đảm nhận.

Đơn cử, các Bộ, ngành chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và thực thi chính sách để kiểm soát rượu bia, thuốc lá.

Còn thiếu nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động thể lực của người dân, khuyến khích tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khỏe và hạn chế các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Theo Cục Y tế dự phòng, thời gian tới Việt Nam cần tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng, thực thi các chính sách để kiểm soát yếu tố nguy cơ bệnh.

Cụ thể, cần có chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên ít nhất 70% giá bán lẻ đồng thời thực thi đầy đủ Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thực hiện môi trường không khói thuốc.

Sớm ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia, cùng với các chính sách kiểm soát quảng cáo khuyến mại, giờ bán và điểm bán và phòng chống tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia.

Cùng đó, tiếp tục có các chính sách và can thiệp để giảm tiêu thụ muối, giảm tiêu thụ nước ngọt có đường và hạn chế sự tiếp cận của trẻ em với các thực phẩm, sản phẩm có yếu tố nguy cơ sức khỏe...

Ngoài ra, Việt Nam cần việc xây dựng môi trường hỗ trợ cho vận động thể lực như quy hoạch đô thị cần bảo đảm có đường cho người đi bộ, phát triển dịch vụ giao thông công cộng, không gian công cộng cho người dân luyện tập thể dục thể thao…

Đây là những nội dung rất quan trọng để giúp người dân có cơ hội, điều kiện để tăng cường vận động thể lực trong cuộc sống hằng ngày.

Theo các chuyên gia, yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm ở mức cao và đang gia tăng ở Việt Nam.

Nghiên cứu cho thấy, hiện có hơn 45% nam giới Việt hút thuốc lá, 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa (44%) uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây; khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và khoảng 16% người Việt trưởng thành mắc thừa cân béo phì.

(Theo TTXVN)

.
.
.