.

Tăng cường quản lý hoạt động bán và sử dụng thuốc

Cập nhật: 15:47, 09/12/2018 (GMT+7)

Lâu nay, tình trạng bán thuốc không kê đơn rất phổ biến. Người bán sẵn sàng bán các loại thuốc theo yêu cầu của khách hàng. Chính điều này đã gây ra những báo động về tình trạng lạm dụng trong sử dụng thuốc kháng sinh ở nước ta.

Để khắc phục tình trạng này và thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế vừa triển khai thực hiện kế hoạch nối mạng các nhà thuốc, quầy thuốc trong tỉnh.

Các điểm bán lẻ thuốc sẽ được kết nối mạng từ nay đến tháng 7-2019.
Các điểm bán lẻ thuốc sẽ được kết nối mạng từ nay đến tháng 7-2019.

HẬU QUẢ LẠM DỤNG THUỐC

Hiện tại, các quầy thuốc, nhà thuốc đều có phân chia thuốc thông thường và thuốc bán theo đơn của bác sĩ. Nhưng trên thực tế, người dân dễ dàng mua bất kỳ loại thuốc nào mà không cần đơn thuốc.

Thậm chí, không cần khám bệnh, người dân chỉ cần đến các quầy bán thuốc khai bệnh là được bán thuốc điều trị. Trong đó, có việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và vi nấm, không có tác dụng với virus. Nếu dùng thuốc kháng sinh sai sẽ không có hiệu quả, mà còn gây ra những bất lợi cho người bệnh.

Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh ngoài khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi (thường có trên da, niêm mạc họng, hầu, mũi, đường ruột của người bình thường). Đây là những vi khuẩn tham gia hàng rào bảo vệ cơ thể theo cơ chế sống cạnh tranh khi có vi khuẩn lạ xâm nhập.

Mặt khác, những vi khuẩn này còn có khả năng sinh ra một số kháng sinh có lợi cho cơ thể. Khi lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt các vi khuẩn này, gây nên hiện tượng loạn khuẩn, đặc biệt là loạn khuẩn ở đường ruột.

Loạn khuẩn đường ruột sẽ gây nên ăn không tiêu, đầy bụng, chướng hơi, phân lỏng, gầy sút... Nếu các triệu chứng này xảy ra với trẻ em và người cao tuổi thì có thể bị suy dinh dưỡng.

Điều nguy hiểm của việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi là không chỉ có hại đối với bản thân người dùng thuốc, mà còn gây ảnh hưởng đến cộng đồng.

Vì khi có một loại vi khuẩn kháng thuốc thì vi khuẩn đó có khả năng lan tính kháng thuốc đó cho các vi khuẩn cùng loại và cả các vi khuẩn khác loại. Như vậy, tính kháng thuốc của vi khuẩn nhanh chóng lan ra cộng đồng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chữa trị bằng thuốc kháng sinh cho những người mắc bệnh nhiễm khuẩn.

TRIỂN KHAI KẾT NỐI MẠNG

Việc kết nối mạng các điểm kinh doanh thuốc là việc làm rất cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động bán và sử dụng thuốc. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 4674 phê duyệt Kế hoạch của Sở Y tế triển khai kết nối mạng các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch bắt đầu thực hiện từ tháng 10-2018 và dự kiến kết thúc vào tháng 7-2019. Đây là nội dung cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020” của Bộ Y tế.

Theo đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông tiến hành khảo sát thực trạng trang thiết bị và đường truyền internet tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh; từ đó, xác định nhu cầu, số lượng cơ sở đáp ứng việc triển khai.

Tiếp theo, tiến hành kết nối mạng, trang bị máy tính cho các cơ sở; tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm; chạy thử nghiệm phần mềm, cập nhật danh mục thuốc và đưa phần mềm vào sử dụng chính thức.

Để tổ chức thực hiện, các doanh nghiệp cung cấp phần mềm sẽ hỗ trợ kinh phí khảo sát hạ tầng trang thiết bị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng. Các cơ sở bán lẻ thuốc thỏa thuận với doanh nghiệp viễn thông để trả chi phí mua phần mềm và sử dụng đường truyền internet.

Mục tiêu phấn đấu đạt 100% các nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế và cơ sở bán buôn thuốc trên địa bàn tỉnh được cài đặt phần mềm, kết nối mạng internet.

Đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát được xuất xứ, giá cả thuốc mua vào, bán ra; đồng thời, giúp kiểm soát việc thu hồi thuốc, hạn chế tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc.

Đặc biệt, qua ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở bán lẻ thuốc sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người kê đơn, bán thuốc và ý thức cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý mà trọng tâm là thuốc kháng sinh.

Cơ quan quản lý nhà nước có thêm công cụ quản lý, kiểm soát việc kê toa, mua bán thuốc theo toa; tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu dược quốc gia, chuẩn hóa được 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế. Xây dựng các tiêu chuẩn liên thông dữ liệu cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc, phần mềm quản lý bệnh viện và phần mềm của các cơ sở sản xuất, xuất khẩu - nhập khẩu thuốc.

MAI HÀ

.
.
.