Những hiểm họa vô hình từ bức xạ điện từ
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2018, tổng số thuê bao điện thoại trên cả nước ước tính đạt khoảng 120 triệu, thuê bao internet băng rộng cố định ước tính đạt hơn 12 triệu. Những con số này chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng gắn bó mật thiết với cuộc sống con người.
Các thiết bị công nghệ ngày càng gắn bó mật thiết với cuộc sống con người. (Ảnh: P.V/Vietnam+) |
Không phủ nhận những lợi ích mà các thiết bị công nghệ mang lại, nhưng ngược lại, khi các thiết bị này phủ sóng rộng khắp, đồng nghĩa với việc môi trường sống đang bị bủa vây bởi bức xạ điện từ.
Ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông phân tích, hiện có 97% dân số sử dụng điện thoại di động với khoảng hơn 120 triệu thuê bao. Điều đó cho thấy, mỗi người dân sử dụng hơn 1 chiếc điện thoại di động.
Sự phát triển của công nghệ thì bao giờ cũng có tính hai mặt. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận thì ít nhiều sẽ có những tác động không mong muốn. Do đó, mỗi người cần nâng cao hiểu biết về việc sử dụng thiết bị công nghệ một cách thông minh và an toàn.
Bàn về vấn đề này, phó giáo sư Đào Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) chỉ rõ, hiện không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng sử dụng thiết bị có bức xạ điện từ khá nhiều, thông thường nhất là điện thoại di động.
“Thực trạng này rất đáng lo ngại, khi mà các thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng nhiều đến thần kinh của trẻ, thay đổi thần kinh thực vật. Trẻ dùng nhiều điện thoại dễ rơi vào trạng thái lo âu, hoặc bị kích thích, hoặc mệt mỏi hoặc nhức đầu buồn nôn. Thậm chí có trẻ rơi vào trạng thái gần như đờ đẫn hoặc giảm sút khả năng trí nhớ, khả năng học tập nếu cứ dùng điện thoại suốt ngày,” bác sỹ Tuấn phân tích.
Vì vậy, bác sỹ Tuấn cho rằng, đã đến lúc cần những nghiên cứu sâu tập trung vào việc làm thế nào để có khuyến cáo hiệu quả với người lớn trong việc sử dụng thiết bị điện tử sao cho hợp lý; đồng thời làm sao để khống chế trẻ không sử dụng quá nhiều điện thoại di động nói riêng, các thiết bị có bức xạ điện từ nói chung.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Sơn - Tổng Giám đốc WaveEX Việt Nam cho hay: “Có dịp đi công tác ở một số nước trên thế giới thì tôi nhận ra rằng: không chỉ đơn thuần dùng một chiếc điện thoại, nhiều người luôn gắn vào đó một con chip chắn bức xạ điện từ. Nghĩa là họ ý thức rất rõ việc chủ động bảo vệ sức khỏe trước những nguy hại tiềm tàng của bức xạ điện từ. Tôi nghĩ là ở Việt Nam, câu chuyện này chưa thực sự được nhiều người để ý và đây là thực trạng rất đáng lo ngại. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang nuôi dưỡng một hiểm họa vô hình và để mặc cho nó lớn dần.”
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về tác hại của bức xạ điện từ chưa nhiều, vì vậy ông Sơn cho rằng cần tham khảo và tiếp nhận thông tin, kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học trên khắp thế giới về hiểm họa vô hình này.
Bức xạ điện từ còn được gọi là sóng điện từ, đó là sự kết hợp (nhân vector) của dao động điện trường và từ trường vuông góc với nhau, lan truyền trong không gian như sóng. Hàng ngày chúng ta phải tiếp xúc với hàng ngàn bức xạ tự nhiên và nhân tạo được sinh ra bởi các thiết bị điện như tivi, điện thoại di động, wifi… |
(Theo TTXVN)