Chủ Nhật, 06/01/2019, 20:15 (GMT+7)
.

Sẽ triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trong tháng 1-2019

Gần 5 tháng qua, trẻ em trong giai đoạn tiêm chủng mở rộng không được tiêm ngừa vì hết vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib Quinvaxem (do Hàn Quốc sản xuất) phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Điều này gây lo lắng cho phụ huynh có con em trong độ tuổi tiêm chủng, nhất là những trẻ đã tiêm chưa đủ liều. Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCKII) Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết:

Phụ huynh cần đưa con em đi tiêm chủng để bảo vệ trẻ không mắc phải những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Phụ huynh cần đưa con em đi tiêm chủng để bảo vệ trẻ không mắc phải những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Từ tháng 6-2010, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất được đưa vào tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ dưới 1 tuổi.

Tuy nhiên, hiện tại, vắc xin này không còn được sản xuất nữa nên Bộ Y tế cho phép Dự án TCMR thực hiện chuyển đổi sang sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib có tên thương mại là ComBE Five do Ấn Độ sản xuất. Tỉnh sẽ tiến hành tiêm chủng vắc xin ComBE Five vào đợt tiêm chủng thường kỳ của tháng 1-2019.

Về cơ bản vắc xin DPT-VGB-Hib Quinvaxem và vắc xin DPT-VGB-Hib ComBE Five là giống nhau về thành phần và khả năng phòng bệnh. Cả 2 loại vắc xin này đều là vắc xin phối hợp 5 trong 1, phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib; trong đó sử dụng thành phần ho gà toàn tế bào.

* Phóng viên (PV): Thời gian qua, thông tin việc triển khai thí điểm tiêm vắc xin ComBE Five tại 7 tỉnh có xuất hiện nhiều ca phản ứng sau tiêm gây lo lắng cho phụ huynh, bác sĩ có thể giải thích nguyên nhân?

* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Thực chất vắc xin là sản phẩm sinh học có chứa loại vi sinh vật gây bệnh hoặc một phần của nó. Khi đưa vào cơ thể tương tác với hệ thống miễn dịch và tạo ra đáp ứng miễn dịch nhưng không gây bệnh hoặc biến chứng tiềm tàng nào cho người nhận.

Như vậy, tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Việc tiêm vắc xin có những phản ứng sau tiêm là bình thường. Các phản ứng sau tiêm thường thấy là đau chỗ tiêm và sốt. Các triệu chứng này sẽ khỏi dần trong 1 đến 2 ngày.

Điều khác biệt cơ bản mà mọi người quan tâm, đó là sự khác biệt về thành phần ho gà giữa vắc xin TCMR và vắc xin dịch vụ. Vắc xin ho gà toàn tế bào là vắc xin chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ.

Còn vắc xin vô bào là vắc xin tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn. Điều đó giải thích lý do tại sao vắc xin ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắc xin ho gà vô bào.

Tuy nhiên, vắc xin ho gà toàn tế bào kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn vắc xin ho gà vô bào. Ngoài ra, vắc xin ho gà toàn tế bào có giá thành thấp hơn nhiều so với vắc xin ho gà vô bào.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù các phản ứng hệ thống và tại chỗ thường liên quan với vắc xin ho gà toàn tế bào, nhưng cả 2 vắc xin ho gà toàn tế bào và ho gà vô bào đều an toàn như nhau. Kết quả giám sát và nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, các trường hợp tử vong khi tiêm chủng hầu hết là trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ mà không liên quan tới vắc xin.

* PV: Để an toàn tiêm chủng, ngành Y tế của tỉnh đã chủ động và có những khuyến cáo gì, thưa bác sĩ?

* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Trong quá trình sử dụng vắc xin có thể xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm liên quan hoặc không liên quan đến tiêm chủng. Việc giám sát phản ứng sau tiêm chủng để phát hiện sớm và xử trí các tai biến xảy ra sẽ góp phần làm giảm diễn biến nặng của các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; đồng thời, giúp người dân yên tâm và tin tưởng vào việc tiêm chủng phòng bệnh.

Tại Tiền Giang, từ tháng 9-2013, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tăng cường công tác an toàn tiêm chủng; giám sát việc tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn ở tất cả các trạm y tế xã, phường.

Bên cạnh đó, các giải pháp an toàn tiêm chủng được ngành Y tế đưa ra. Theo đó, tổ chức tiêm chủng phải đúng quy trình, kỹ thuật, bảo đảm an toàn, hiệu quả, vô trùng.

Tất cả các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, cơ sở tiêm chủng phải tuân thủ quy trình tiêm chủng an toàn theo đúng Quyết định 23 của Bộ Y tế như bố trí các bàn khám phân loại, bàn tiêm, bàn ghi chép, phòng theo dõi sau tiêm theo quy trình...

Tất cả các điểm tiêm chủng thực hiện tiêm không quá 50 đối tượng/1 buổi. Vắc xin phải đảm bảo chất lượng và thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, cấp phát, bảo quản.

Thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm được xem là bước quan trọng trong tiêm chủng. Cán bộ y tế phải thực hiện khám sàng lọc, tư vấn thật đầy đủ cho gia đình, người được tiêm chủng về lợi ích và bất lợi trong tiêm chủng.

Chỉ tiêm chủng khi đã giải thích đầy đủ và được sự đồng ý của gia đình, người được tiêm chủng. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế phải đưa cho gia đình, người được tiêm chủng kiểm tra tên vắc xin, hạn sử dụng của vắc xin sẽ tiêm.

Tất cả đối tượng được tiêm chủng phải được theo dõi tình trạng sức khỏe trong thời gian 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Sau khi tiêm chủng về nhà, tất cả đối tượng được tiêm chủng phải được hướng dẫn, theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm.

Khi có dấu hiệu phản ứng toàn thân hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng thì phải đưa ngay người được tiêm chủng đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị đến khi ổn định.

Tất cả cán bộ y tế có tham gia công tác tiêm chủng đều được tập huấn an toàn tiêm chủng và cấp giấy chứng nhận. Tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đều thực hiện cam kết “Điểm tiêm chủng đạt tiêu chuẩn” và được thẩm định.

* PV: Đối với những trẻ đã tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib Quinvaxem chưa đủ liều sẽ xử trí như thế nào, thưa bác sĩ?

* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 26.500 trẻ đã tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib Quinvaxem chưa đủ liều. Những trường hợp này trạm y tế đều có lưu danh sách và sẽ thực hiện tiêm bù những mũi tiếp theo cho đủ phát đồ (3 mũi), không phải tiêm lại từ đầu. Khi có vắc xin, những trẻ tiêm chủng chưa đủ liều sẽ được ưu tiên tiêm trước.

Ngoài lượng vắc xin tiêm bù cho trẻ tiêm chưa đủ liều vắc xin DPT-VGB-Hib Quinvaxem, trong tháng đầu tiên (tháng 1-2019) triển khai tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib ComBE Five, Tiền Giang được cấp 7.250 liều để tiêm mũi 1 cho trẻ chưa được tiêm chủng. Trong khi đó, nhu cầu tiêm mũi 1 của trẻ trong tỉnh ước tính là khoảng 10.000 trẻ. Trong trường hợp không đủ vắc xin cho nhu cầu mũi 1 thì sẽ ưu tiên cho trẻ nhỏ tháng tiêm trước.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.