Dịch sởi bùng phát trên toàn cầu
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc từ chối tiêm chủng là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe trên quy mô toàn cầu trong năm 2019.
Nhận định được đưa ra vào thời điểm dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nước do tỷ lệ tiêm vaccine giảm mạnh.
Tỷ lệ tiêm phòng giảm làm tăng nguy cơ mắc bệnh sởi. |
Thất bại trong vận động tiêm chủng
Bà Katherine O’Brien, Giám đốc phụ trách về miễn dịch, tiêm chủng và sinh học của WHO, nhận định, thế giới đang đi ngược lại những nỗ lực phòng tránh sởi vì phong trào tẩy chay vaccine.
Việc thụt lùi không phải do không có công cụ phòng tránh mà là do thất bại trong chiến dịch vận động tiêm chủng.
Theo bà O’Brien, dịch sởi dù xảy ra ở một khu vực nhỏ cũng đem đến nguy cơ lớn, bởi virus cũng như các mầm bệnh khác dễ dàng vượt qua mọi biên giới.
Thoạt đầu, bệnh sởi nghe có vẻ không mấy nguy hiểm, nhưng đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm nhiễm trùng phổi và não, dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Thống kê sơ bộ của WHO cho biết, trong năm 2018, có 229.000 bệnh nhân sởi, trong khi năm 2017 ở mức 170.000 ca.
Tuy nhiên, đây chưa phải là kết quả cuối cùng của năm 2018, khi hoàn tất thống kê, số bệnh nhân sởi nhiều khả năng cao hơn gấp đôi so năm 2017.
Các quốc gia trên thế giới vẫn còn thời hạn đến tháng 4 năm nay để thông báo về số trường hợp mắc sởi trong năm 2018.
Theo WHO, tại các nước có thu nhập cao, việc ngày càng có nhiều người mắc sởi chủ yếu do quan điểm sai lệch về việc tiêm vaccine và thái độ chủ quan về hệ miễn dịch của mình.
Tình trạng này xuất phát từ thông tin về việc tiêm vaccine ngăn ngừa sởi có thể bị mắc bệnh tự kỷ.
Cũng theo WHO, bệnh sởi ở châu Âu đã tăng gấp 3 lần, chỉ trong giai đoạn từ năm 2017 - 2018 (vào khoảng 82.596 - con số cao nhất được ghi nhận trong thập kỷ này).
Đây là con số gây bất ngờ ở khu vực có nhiều quốc gia phát triển. Đứng đầu tỷ lệ mắc bệnh sởi của khu vực châu Âu là Ukraine với 53.000 ca nhiễm, chiếm hơn một nửa số ca nhiễm sởi ở châu Âu.
Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm nay, đã có 8 người, trong đó 2 trẻ em, tử vong do bệnh sởi ở Ukraine. Năm ngoái, số ca tử vong do sởi tại nước này là 16 người.
Đáng chú ý, vào giữa tháng 2 năm nay, chỉ trong vòng 7 ngày, số ca mắc sởi ở Ukraine lên đến 3.100 người, chiếm một nửa là trẻ em. Tổng số người nhiễm sởi ở Ukraine đã lên đến 20.000 người.
Giới chức Ukraine cũng phải thừa nhận rằng, nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát là do quá trình tiêm phòng bị ngắt quãng trong thời gian dài.
Giới chuyên gia y tế cũng nêu lên thực trạng khá phổ biến ở nước này là nhiều bậc cha mẹ từ chối tiêm vaccine cho trẻ do không tin tưởng vaccine và bác sĩ.
Tại Canada - nước đã xóa sổ bệnh sởi từ năm 1998, đã tái bùng phát dịch sởi ở tỉnh British Columbia với 9 ca mắc từ đầu năm tới nay. Hầu hết ca nhiễm sởi là những trường hợp đã đi du lịch ra ngoài Canada.
Cơ quan y tế của Canada đang làm việc với các nhà khoa học để tìm hiểu nhân tố nào dẫn đến quan điểm không tiêm vaccine và sức ép đối với những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội khi phải đối mặt với những nghi ngại về độ an toàn của vaccine.
Cơ quan này sẽ xây dựng một chiến dịch truyền thông mới để thông tin cho mọi người về tầm quan trọng của tiêm chủng và những báo cáo chứng minh độ an toàn của vaccine.
Ở Mỹ, dịch sởi cũng quay lại sau khi bị xóa sổ từ năm 2000. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, nước này ghi nhận 107 ca nhiễm sởi ở 21 bang, trong đó có bang Arkansas, California, Connecticut, Florida, Illinois, Indiana, Kansas, Louisiana, Maryland, Michigan, Missouri…
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, hầu hết các ca nhiễm sởi đều chưa được tiêm phòng.
Giới lập pháp Mỹ đang cân nhắc khả năng ban hành luật để việc tiêm phòng các bệnh sởi, quai bị, rubella đối với trẻ em là việc làm bắt buộc, thay vì hiện nay các bậc phụ huynh có quyền lựa chọn tiêm phòng cho con.
Mạng xã hội bị lợi dụng
Philippines đang là điểm nóng của dịch sởi tại châu Á. Tính đến ngày 19-2, số ca mắc sởi tại quốc gia này là 8.443 ca và 136 ca tử vong kể từ khi giới chức Philippines chính thức xác nhận bùng phát dịch sởi ngày 6-2 vừa qua.
Như vậy, số ca mắc sởi đã tăng 253%, trong khi số ca tử vong cũng tăng 491% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo Bộ Y tế Philippines, hầu hết các ca mắc sởi là trẻ em dưới 4 tuổi, đa số không được tiêm phòng. Một nửa các ca mắc bệnh và 60% các ca tử vong tập trung ở vùng thủ đô Manila và Calabaron.
Bộ Y tế lo ngại các ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng vì hiện vẫn chưa kiểm soát được dịch.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tẩy chay tiêm phòng là do những khuất tất đằng sau vaccine chống sốt xuất huyết Dengvaxia gây tranh cãi, dẫn đến sự suy giảm lòng tin đối với chương trình tiêm chủng hàng loạt của chính phủ và đẩy tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở Philippines xuống ở mức thấp trong khu vực.
Tại châu Phi, khoảng 922 trẻ em và thanh niên Madagascar đã tử vong do bệnh sởi kể từ tháng 10 năm ngoái tới nay. Số ca tử vong trên dựa theo số liệu chính thức của Chính phủ Madagascar, nhưng có thể chưa đầy đủ, bởi tổng số ca nhiễm hiện tại ở quốc đảo Ấn Độ Dương này là 66.000 người.
Theo WHO, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Madagascar là 47% - cao nhất châu Phi, làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong do nhiễm sởi.
Hiện chỉ có 22 triệu trong số 26 triệu người dân Madagascar được tiêm phòng sởi.
Việc phong trào tẩy chay vaccine lan truyền mạnh như hiện nay được cho là vì lạm dụng công cụ truyền thông xã hội, trong đó có Facebook.
Mạng xã hội này đang bị lợi dụng triệt để nhằm lan truyền các thông tin bài vaccine nhằm vào đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ mang thai thông qua quảng cáo trả tiền.
Theo một báo cáo tại Anh, có tới gần 50% số phụ huynh có con nhỏ đã đọc được thông tin về chống vaccine trên mạng xã hội.
Các nhóm tuyên truyền chống vaccine, được gọi chung là “anti-vaxxers” hoạt động trong các nhóm kín trên Facebook.
Bằng cách này, các nhóm có thể tùy ý chọn thành viên mình muốn và lan truyền tin giả thoải mái mà không bị phản ứng. Số thành viên của một nhóm như Stop Mandatory Vaccination (Dừng tiêm vaccine bắt buộc) lên tới 150.000 người.
Trước trào lưu này, nhiều chuyên gia y tế lên tiếng yêu cầu Facebook phải có hành động kịp thời.
Đáp lại, Facebook cho biết, đang tìm các biện pháp bổ sung để chống lại vấn nạn trên, bao gồm giảm hoặc gỡ bỏ loại nội dung này khỏi những gợi ý, giáng cấp nội dung tẩy chay vaccine trong kết quả tìm kiếm, đồng thời bảo đảm thông tin chính thống, chất lượng được chia sẻ.
Google đã áp dụng các biện pháp tương tự. YouTube, mạng chia sẻ video của Google, thay đổi hệ thống gợi ý video, bắt đầu loại bỏ các video có nội dung gây nhầm lẫn cho người dùng theo các cách có hại, khỏi hệ thống gợi ý.
(Theo sggp.org.vn)